Ở bất kỳ thành phố nào, không gian vỉa hè cũng luôn được coi là một phần bộ mặt cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh phát triển của một thành phố.
Trật tự không gian vỉa hè
Trật tự vỉa hè về cơ bản có thể cho là tình trạng vỉa hè được sử dụng đúng chức năng cơ bản của nó, là phần gắn liền với đường phố dành ưu tiên tối đa cho hoạt động đi bộ. Tuy nhiên, nếu hiểu trật tự vỉa hè một cách đơn giản là tất cả các vỉa hè trong đô thị đều phải trống thoáng hoàn toàn, tuyệt đối không có các hoạt động khác như buôn bán, đậu xe… thì ở một chừng mực nào đó, vô hình trung đã triệt tiêu các hoạt động đô thị gắn liền với vỉa hè; tạo ra những vỉa hè thiếu sức sống, không đáp ứng nhu cầu phong phú của đô thị, từ đó phát sinh mâu thuẫn không thể giải quyết giữa mục tiêu quản lý và thực tế đô thị.
Cần phải nhìn nhận những tính chất khách quan của vỉa hè trong cuộc sống đô thị. Thực vậy, vỉa hè, bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố: đèn chiếu sáng, thùng rác…; là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị và hoạt động kinh tế vỉa hè, và trong điều kiện thành phố cũng không tránh khỏi chức năng là nơi đậu xe máy. Riêng đối với những hoạt động kinh tế nhỏ trên vỉa hè, hình thức này cung cấp được cho người dân những sản phẩm (như thức ăn, nước uống, sách báo, vé số, các thứ cần thiết nhỏ…), dịch vụ (đánh giày, vá xe…) một cách tiện lợi, giá rẻ; bản thân người bán buôn vỉa hè cũng tự giải quyết công ăn việc làm cho chính họ và thêm một vài người phụ việc nữa. Như thế, một mặt nào đó, hoạt động kinh tế vỉa hè cũng góp phần giải quyết một phần những vấn đề của nền kinh tế mà chính quyền có thể khó giải quyết được.
Làm thế nào để định hướng những chức năng và hoạt động đô thị đa dạng đó theo đúng hướng, đúng khu vực, tạo được một trật tự vỉa hè vừa đa dạng những hoạt động đô thị, thể hiện đặc trưng của các khu vực đô thị vừa phù hợp với sự phát triển và văn minh đô thị.
Xây dựng, bố trí sử dụng hợp lý vỉa hè
Để có thể tìm được một trật tự đô thị ở không gian vỉa hè, vốn không đơn thuần chỉ là dải lề đi bộ hai bên đường, mà còn giữ rất nhiều vai trò trong việc tạo lập bản sắc, hình ảnh nơi chốn, văn hóa-xã hội của một đô thị, rõ ràng cần có những giải pháp cụ thể từ việc bố trí sử dụng hợp lý vỉa hè. Vỉa hè là một phần của cơ thể đô thị; việc “chữa trị”, “phục hồi chức năng” cho vỉa hè đô thị ắt hẳn phải gắn liền với việc duy trì, xây dựng một cơ thể đô thị khỏe mạnh.
Với cách tiếp cận như đã nêu trên đối với trật tự vỉa hè đô thị, rõ ràng cần phải có những giải pháp hết sức cụ thể, cân bằng hài hòa giữa đời sống thực tế đô thị và mục tiêu phát triển đô thị.
Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện việc sơn vôi giới hạn phần vỉa hè được phép sử dụng (chủ yếu để đậu xe máy); tuy nhiên giải pháp này không thể áp dụng một cách đại trà mà cần phải được nghiên cứu hết sức khoa học, kỹ lưỡng.
Nên chăng, cần có quy hoạch phân loại các khu vực vỉa hè trong đô thị: có khu vực vỉa hè tuyệt đối không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè và có biện pháp xử lý chế tài rất nặng, ưu tiên hoàn toàn cho bộ hành và cây xanh, cảnh quan; có khu vực vỉa hè cho phép bố trí hoạt động kinh tế nhỏ (như quầy sách báo, điểm vá xe, nơi bán hàng rong…), đậu xe máy và có thể cả ô tô (trường hợp vỉa hè lớn) với quy định và hướng dẫn rõ ràng về tổ chức mặt bằng, không gian và cả quy chế về kinh tế, tài chính (thuế, phí sử dụng vỉa hè…).
Thậm chí đối với những tuyến phố đặc biệt như phố đi bộ, “kinh tế vỉa hè” lại có thể cần được khuyến khích một cách có quy hoạch, có kiểm soát, xem đó như là hỗ trợ cho cư dân thành thị mưu sinh, giúp xây dựng bản sắc tuyến phố, tạo bộ mặt sinh động cho đô thị, hay còn trở thành một “đặc sản” cho du lịch.
Đối với các dãy nhà phố hiện hữu dọc theo các trục đường, trước mắt có thể tiến hành chỉnh trang mặt tiền cho đồng bộ về đường nét và màu sắc; với các dãy phố có vỉa hè nhỏ hoặc không có vỉa hè, có thể mở một hành lang đi bộ nằm ngay mặt tiền tại tầng trệt của các dãy phố này (phần không gian kiến trúc trên lầu chủ nhà vẫn sử dụng) đồng thời với cải tạo mặt đứng.
Các hoạt động “kinh tế vỉa hè” cần được quy hoạch cụ thể trên từng đoạn phố. Căn cứ trên đặc trưng tuyến phố và nhu cầu đô thị, các loại hình và quy mô kinh tế vỉa hè được định hình và quy hoạch cụ thể. Chẳng hạn như có thể quy định những vị trí có thể cho phép có quầy sách báo, chỗ bơm vá xe, quầy thức ăn nhẹ như xe bánh mì, xôi… và phạm vi của những hoạt động này gắn với khu vực đậu xe, chờ xe... và luôn đảm bảo sự liên tục, thông suốt của luồng bộ hành.
| |
KTS HỒ QUANG TOÀN - KTS TÂM THẢO (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM)