Trầy trật thu thuế bán hàng online

Hoạt động bán hàng online tự phát ngày càng sôi động nhờ vào sự phát triển của công nghệ số và những trang mạng xã hội. Thế nhưng, hầu hết những người kinh doanh mô hình này chưa thực hiện “đầy đủ” nghĩa vụ thuế.
Bán hàng online thu hút người tiêu dùng nhờ chính sách khuyến mãi
Bán hàng online thu hút người tiêu dùng nhờ chính sách khuyến mãi
Để tăng cường quản lý và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, ngành thuế TPHCM đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả để tránh thất thu thuế đối với bán hàng online tự phát.
Hiện tại, Cục Thuế TPHCM đang xây dựng và sẽ ban hành cơ chế phối hợp thống nhất giữa cơ quan thuế và những đơn vị liên quan trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng online. Trong đó, Cục Thuế sẽ quản lý việc bán hàng, doanh thu, kê khai nộp thuế của các tổ chức, cá nhân bán hàng online trên cơ sở giám sát, đối chiếu thông tin với các sở ngành như Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, hệ thống ngân hàng và các nhà mạng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết hoạt động bán hàng online liên quan đến các vấn đề về hệ thống mạng, thương mại điện tử, giao dịch tài chính điện tử... nên việc quản lý và thu thuế cần sự hỗ trợ đồng bộ của các đơn vị, sở ngành có chuyên môn và nguồn nhân lực. Việc quản lý và thu thuế hoạt động bán hàng online hiện nay cần có giải pháp tuyên truyền pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình kinh doanh này tự nguyện kê khai và nộp thuế.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ việc quản lý và thu thuế hoạt động bán hàng online còn gặp nhiều khó khăn là do hiện nay chưa có những quy định pháp luật cụ thể, mà chủ yếu vẫn dựa trên sự tự nguyện kê khai và nộp thuế của các tổ chức, cá nhân. Trong các quy định pháp luật, các tổ chức, cá nhân có doanh thu vượt 100 triệu đồng/năm phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng online như hiện nay rất khó xác định doanh thu vì không có hành lang pháp lý để quản lý, giám sát.
Dẫn chứng cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, phân tích một trong những yếu tố quan trọng để quản lý và thu thuế là phải có cơ sở về các giao dịch bán buôn, giao dịch tài chính. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng online chủ yếu đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi; hoặc khách hàng đến nhà, cửa hàng... thì làm sao cơ quan chức năng quản lý và kiểm soát. Thêm vào đó, hoạt động bán hàng online chưa có giải pháp hay công cụ kỹ thuật để kiểm soát nguồn doanh thu của các tổ chức, cá nhân.
Không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động bán hàng online và quảng cáo, kênh bán hàng online chỉ là phương tiện tương tác với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ là chủ yếu. Còn việc mua bán hầu hết đều diễn ra ở cửa hàng hay tại nhà. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng không xác định được đâu là hoạt động bán hàng online và cần thực hiện nghĩa vụ kê khai cũng như nộp thuế như thế nào. Mặt khác, theo quy định pháp luật, mọi hoạt động kinh doanh có doanh thu phát sinh đã kê khai theo mã số thuế doanh nghiệp.
Ông Phạm Thành Công, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam, đánh giá khi internet và cơ sở hạ tầng di động cải thiện, độ phủ tăng theo cấp số nhân trong khu vực, người tiêu dùng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là những người tiêu dùng kết nối nhiều nhất trên thế giới. Nhiều người tiêu dùng dịch chuyển qua lại giữa kênh truyền thống và trực tuyến để tương tác với thương hiệu và các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số. Do đó, khi người tiêu dùng “kết nối” ngày càng di chuyển liên tục giữa kênh mua sắm trực tiếp (offline) và các kênh khác cũng đồng nghĩa với việc thói quen mua hàng đang thay đổi. Vì vậy, hoạt động bán hàng online, kênh mua sắm trực tuyến... sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo nên làn sóng kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục