Trẻ em Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ cao chịu tác động của khủng hoảng khí hậu

Trẻ em Việt Nam xếp thứ 37 trên thế giới về mức độ dễ bị tổn thương trước các cú sốc về khí hậu và môi trường - một nghiên cứu được UNICEF công bố ngày 20-8 nêu rõ.  

Nguy cơ lớn nhất về khí hậu đối với trẻ em Việt Nam là tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt
Nguy cơ lớn nhất về khí hậu đối với trẻ em Việt Nam là tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt

Theo báo cáo của UNICEF phát hành hôm nay 20-8, thanh thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế này đang đe dọa sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của các em.

Trong phân tích này, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc xoáy và các đợt nắng nóng; cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em.

Được thực hiện và phát hành với sự hợp tác của tổ chức Fridays for Future nhân dịp kỷ niệm 3 năm phong trào biểu tình vì khí hậu toàn cầu do thanh niên lãnh đạo, bản Báo cáo cho thấy khoảng 1 tỷ trẻ em - gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên toàn thế giới - sống tại 33 quốc gia được phân loại là có “nguy cơ cực kỳ cao”.

Ước tính có khoảng 850 triệu trẻ em – tương đương 1/3 trẻ em trên toàn thế giới – sống trong các khu vực có ít nhất 4 trong số những cú sốc về khí hậu và môi trường xảy ra chồng chéo. Có tới 300 triệu trẻ em – tương đương 1/7 trẻ em trên toàn thế giới – sống trong các khu vực có ít nhất 5 cú sốc lớn.

Tại Việt Nam, theo bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF, nguy cơ lớn nhất là tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt.

“Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em; nhưng nếu chúng ta hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu – như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em”, bà Miller phát biểu.

Chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em (CCCI) cho thấy:

- 240 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt ven biển

- 330 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt ven sông

- 400 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lốc xoáy

- 600 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của các bệnh do vector truyền bệnh

- 815 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của ô nhiễm chì

- 820 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng

- 920 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của khan hiếm nước

- 1 tỷ trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cao vượt mức cho phép

Tin cùng chuyên mục