Trẻ em - “vũ khí” mới của khủng bố

Theo nghiên cứu của Trung tâm Chống khủng bố tại Học viện Quân sự West Point, Mỹ, số vụ đánh bom liều chết sử dụng trẻ em đã tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2015 đến nay. Điều này cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ráo riết sử dụng trẻ em trong các vụ tấn công khủng bố như một chiến thuật gây nỗi sợ hãi mới. Trong khi đó, các nước vẫn chưa có kế hoạch hành động ứng phó hữu hiệu đối với chiến thuật này.
Trẻ em - “vũ khí” mới của khủng bố

Theo nghiên cứu của Trung tâm Chống khủng bố tại Học viện Quân sự West Point, Mỹ, số vụ đánh bom liều chết sử dụng trẻ em đã tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2015 đến nay. Điều này cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ráo riết sử dụng trẻ em trong các vụ tấn công khủng bố như một chiến thuật gây nỗi sợ hãi mới. Trong khi đó, các nước vẫn chưa có kế hoạch hành động ứng phó hữu hiệu đối với chiến thuật này.

Trẻ em - “vũ khí” mới của khủng bố ảnh 1

Phiến quân IS đang huấn luyện trẻ em sử dụng vũ khí. Ảnh: RT

Chiến tranh tâm lý kiểu IS

Nổi bật nhất là sự kiện một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung quả bom trong người tại một tiệc cưới ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ khiến 51 người chết, trong đó gần một nửa là trẻ em. Điều tra ban đầu cho rằng nghi phạm là một thiếu niên 12-14 tuổi, được IS cử tới nước này để tấn công khủng bố. Sau đó chưa đầy 24 giờ, 1 thiếu niên khoảng 16 tuổi mang một đai bom với gần 2kg thuốc nổ quấn trong người bên ngoài một tòa nhà của Bộ Nội vụ. Thiếu niên này đến từ Mosul, thành phố lớn nhất vẫn còn bị IS kiểm soát.

Các chuyên gia chống khủng bố đánh giá việc IS tăng cường sử dụng trẻ em trong các vụ tấn công khủng bố, đánh bom liều chết… là một hình thức chiến tranh tâm lý với việc chọc thủng hàng rào phòng vệ, gây nỗi sợ hãi trong lòng những binh sĩ của đối phương. Những chiến thuật như thế này phổ biến nhất ở Tây Phi và nay bắt đầu lan sang châu Âu.

Hãng Reuters cho biết, tại Iraq hay Syria, IS bắt những trẻ em ở các thành phố mà chúng chiếm được, sau đó tuyên truyền, huấn luyện cho những trẻ em này ở các khu trại của chúng.

Cảnh sát Iraq tháo đai bom của đứa trẻ bị nghi sắp đánh bom liều chết tại Kirkuk ngày 21-8

Juliette Touma, người phát ngôn của UNICEF nhận xét: “Tuyển mộ trẻ em trong khu vực đang ngày càng gia tăng. Những đứa trẻ này được đào tạo về việc sử dụng vũ khí hạng nặng, đứng gác ở các chốt tại tiền tuyến, bị sử dụng như những kẻ bắn tỉa và trong một số trường hợp là những kẻ đánh bom liều chết”. Nhà phân tích Hisham al-Hashimi, cố vấn cho chính phủ Iraq về IS cho biết: IS và các nhóm phiến quân khác đẩy mạnh việc tuyển mộ trẻ em để bù lại những thiệt hại trên chiến trường ở Iraq và Syria: “Việc tuyển mộ trẻ em cho nhiệm vụ đánh bom tự sát cũng giúp chúng bảo toàn những tay súng trưởng thành hoặc đơn giản là khiến cho lực lượng an ninh lơ là cảnh giác, từ đó thực hiện vụ việc trót lọt hơn”.

Tại Afghanistan, IS mở hẳn một trung tâm đào tạo phiến quân nhí với thành phần chủ yếu là con cái các phiến quân. Theo Russia Times, những em nhỏ từ 3 đến 12 tuổi trong các lớp đào tạo này ngoài việc bị nhồi nhét các tư tưởng thù nghịch, còn phải học cách sử dụng vũ khí, kỹ thuật hành hình và cách đánh bom tự sát. Hầu hết trẻ em ở đây đều biết tên các vũ khí và cách dùng, chúng không chỉ đến từ Afghanistan, mà còn từ Pakistan và là con của chính các phiến quân IS. Với lịch đào tạo 6 ngày/tuần, từ 8 giờ đến 16 giờ, các em nhỏ được nghỉ giải lao hai tiếng.

Những con số lạnh người

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 4 vừa qua, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, các vụ tấn công liên quan đến đánh bom liều chết là trẻ em từ năm 2014 đến nay đã tăng gấp 4 lần ở Đông Bắc Nigeria, nơi có căn cứ của nhóm phiến quân Boko Haram, trong đó có tới 75% là bé gái. Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, có tới 38 vụ trẻ em đánh bom ở Tây Phi.

Theo UNICEF, tháng 11-2015, ít nhất 50 người chết, hàng chục người bị thương, khi một phụ nữ cùng với 1 đứa trẻ 11 tuổi đánh bom liều chết tại một khu chợ bán điện thoại sầm uất tại bang Kano, Tây Bắc Nigeria. Tháng 3-2016 một đứa trẻ 12 tuổi thuộc đội đánh bom liều chết đã ra đầu thú quân đội Afghanistan đóng ở miền đông tỉnh Nangarhar. Tại Syria: tháng 7-2016 tổ chức theo dõi nhân quyền Syria cho biết, IS đang tăng cường kế hoạch đánh bom liều chết do trẻ em thực hiện. Tổ chức này cho biết thêm, IS sẽ sử dụng 14 trẻ em để đánh bom liều chết trong năm nay.

Ở Tây Phi, phiến quân Boko Haram thường chiêu mộ những đứa trẻ mất không nhà hay những bé gái mà chúng bắt cóc được, buộc các em trở thành những kẻ đánh bom. Một bé gái 12 tuổi người Nigeria bị lực lượng an ninh Cameroon bắt giữ hồi tháng 3 năm nay khi đang chuẩn bị thực hiện một vụ đánh bom liều chết, đã khai rằng, cô bé bị nhóm Boko Haram bắt cóc sau khi nhóm này tàn phá làng của mình 1 năm trước đó.

Chống khủng bố lẻ tẻ

Chính phủ Anh ngày 22-8 đã công bố một kế hoạch nhằm đối phó với vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong các nhà tù tại nước này. Kế hoạch trên được nước Anh đưa ra trong bối cảnh cả châu Âu đang rơi vào cơn khủng hoảng khi phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố mà hầu hết những kẻ gây ra các vụ tấn công chấn động này không phải là khủng bố chuyên nghiệp mà lại là những “con sói đơn độc” bị nhồi nhét bởi tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Tên đao phủ khát máu “John thánh chiến” của IS chính là Mohammed Emwazi, lớn lên ở Anh và tới Syria để gia nhập IS hoặc trường hợp 3 nữ sinh Kadiza Sultana, Amira Abase và Shamima Begum cùng mới 15 tuổi đã trốn nhà tới Syria để gia nhập IS…

Báo chí Anh cho biết, có một chương trình định hướng mà chính phủ nước này thực hiện để ngăn chặn nguy cơ thanh niên Hồi giáo gia nhập các nhóm cực đoan được Đơn vị Nghiên cứu, Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Nội vụ Anh điều hành nhằm chống chủ nghĩa cực đoan ảnh hưởng trong giới trẻ, vốn là đối tượng dễ bị lôi kéo như tổ chức buổi đối thoại về đề tài chống cực đoan tại các trường học, vạch rõ tội ác man rợ của IS, ngăn ngừa giới trẻ trở thành những phần tử đánh bom liều chết…

Chính phủ cũng đã thành lập thêm một cơ quan an ninh, trật tự và chống khủng bố mới với nhiệm vụ triển khai kế hoạch chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nhà tù. Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc tế cho rằng những kế hoạch, chương trình chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chưa được thực hiện đồng bộ từ cả khối châu Âu nói riêng, phạm vi toàn cầu nói chung nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục