Trên 600.000 thí sinh thi đại học đợt 2 - Đề Văn mới nhưng không “lạ”

Vừa sức, phân loại cao
Trên 600.000 thí sinh thi đại học đợt 2 - Đề Văn mới nhưng không “lạ”

* Gợi ý bài giải môn Toán, Sử kỳ thi Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012 (đợt 2)
Đợt 2 thi đại học, liên quan đến các môn khoa học xã hội, nhất là môn Văn, nhiều thầy cô, các bậc phụ huynh, cũng như toàn xã hội đều mong muốn có sự gia công đề, ngoài việc kiểm tra kiến thức còn khái quát được nhân sinh quan của thí sinh (TS) qua các câu hỏi nghị luận xã hội. Với độ khó “2 trong 1” như vậy, năm nay đề ra đáp ứng được yêu cầu cần và đủ, nhất là đòi hỏi những suy tư, trăn trở về kẻ “cơ hội” cũng như “thần tượng” một cách tối giản. Phải nói rằng ở đâu đó còn nguyên bệnh thành tích, còn nguyên sự “cơ hội” cũng như bệnh “thần tượng” hóa khó hóa giải… Tựu trung, đề văn không có gì “lạ” nhưng bắt người ta phải suy ngẫm…

Thí sinh dự thi vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trao đổi sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trao đổi sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Vừa sức, phân loại cao

Với đề Toán khối D, nhiều TS dự thi xong đã thể hiện sự phấn khởi vì đề thi được đánh giá là vừa sức, có tính phân loại cao. Tại cụm thi ĐH Hà Nội, nhiều TS rời phòng thi sớm từ 15-30 phút. Đơn cử như Trần Mai Lan, đến từ THPT Cầu Giấy, Hà Nội, dự thi ĐH Hà Nội, phấn chấn: “Em đã thi khối A đợt 1 vào Trường Kinh tế quốc dân, làm bài khá tốt nên dự thi khối D trong tâm trạng thoải mái. Đề Toán khối D năm nay vừa sức, em cơ bản làm được hết, chỉ duy nhất một câu chứng minh đại số em không thể làm được nên xin giám thị ra khỏi phòng thi sớm 30 phút, vì có ngồi lại cũng không thể làm được, đây là câu dành cho học sinh thực sự giỏi toán”.

Tại TPHCM, bạn Phan Trần Ngọc Phú, dự thi vào ngành Việt Nam học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận định: “Đề thi tập trung vào kiến thức lớp 12, phần hình học chiếm chưa đến 20%, còn lại là phần Đại số. Phần lớn các câu không quá hóc búa, em làm rất nhanh, duy chỉ có câu 3 (giải phương trình) và câu 6 là khó. Em phải bỏ”.

Đối với TS thi khối B, nhiều em ra khỏi phòng thi môn Sinh với tâm trạng khá thoải mái khi không có nhiều câu mang tính đánh đố, gồm 50 câu, không dài, hầu hết nội dung đều tập trung ở lớp 12. Phần lý thuyết bao gồm thuộc lòng và hiểu nên các TS đều làm khá tốt. Nguyễn Thị Hường, đến từ THPT Giao Thủy A, Nam Định, dự thi vào Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết: “Đề thi năm nay câu hỏi lý thuyết chiếm phần lớn, bài tập ít hơn. Em làm xong bài khi thời gian chỉ còn vỏn vẹn gần 10 phút”. Một TS khác đến từ Hà Nội, em Nguyễn Chung Việt, bước ra với tâm trạng thoải mái, nói: “Mặc dù đề thi năm nay hơi dài, nhưng vừa sức với học sinh, không quá nâng cao mà đi sát kiến thức cơ bản, chỉ có một số câu mang tính phân loại TS”.

Theo đánh giá của nhiều TS tại TPHCM, đề thi năm nay vừa sức, không quá dài, so với đề thi năm ngoái có phần dễ hơn. Phần lý thuyết chiếm 2/3 nội dung đề thi được cho là sát với chương trình học phổ thông. Phần bài tập ít hơn, nhưng tập trung vào dạng “con lai” nên cũng gây không ít bối rối. Nguyễn Thanh Nhân, thi vào ngành địa chất của Trường ĐH KHTN TPHCM, cho biết: “Lý thuyết dù nhiều nhưng dễ làm. Phần bài tập không có nhiều kiến thức về sinh học tế bào như năm ngoái mà thay vào phần di truyền, vì thế một vài câu khó của phần này em phải đánh lụi. Tuy nhiên, em cũng chắc chắn từ 60%-70% các câu trả lời của mình”.

Trong khi đó, các TS dự thi khối C cũng khá hài lòng với đề thi môn Sử. Đề năm nay được các TS đánh giá là khá dài, kiến thức trải đều, đòi hỏi TS phải học hiểu lịch sử, biết tóm lược và khái quát các sự kiện mới có thể đạt điểm cao. TS Trần Thị Lan, đến từ THPT Duy Tiên A, Hà Nam, dự thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết, em làm bài môn Sử không tự tin lắm, chỉ đạt khoảng 6-7 điểm. “Phần Sử trong nước em làm tốt, đề không yêu cầu phải liệt kê nhiều số liệu và sự kiện, chỉ cần hiểu các giai đoạn lịch sử và nắm rõ ý nghĩa của từng giai đoạn sẽ làm tốt. Tuy nhiên, phần sử thế giới em làm không tốt lắm”.

Sau giờ thi Sử, nhiều TS khối C thật sự bất ngờ với cách ra đề năm nay. Phần lớn đều chung nhận xét đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái, các câu hỏi không quá dài. Câu 1 về cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp với nền kinh tế Việt Nam được xem là câu kiểm tra kiến thức của TS. “Chỉ học thuộc bài và mất chừng 15-20 phút đã có thể hoàn thành trọn vẹn”, bạn Lê Hải Đăng, dự thi ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết.

Trong khi đó, câu thứ 2 được xem là khó đối với TS khi yêu cầu phải nhớ từng sự kiện, ngày tháng năm thời kỳ diễn ra sự kiện quân và dân ta giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Đồng thời phải xâu chuỗi các kiến thức để phân tích. Nhìn chung, không dễ lấy điểm cao môn Sử nhưng sẽ có nhiều điểm trên trung bình.

Kẻ cơ hội và bệnh thần tượng

Đề thi Văn khối C gồm 3 câu, không có câu nào rơi vào văn học nước ngoài được các TS đánh giá là khá hay. Câu 1 (2 điểm) rơi vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Câu này yêu cầu TS nêu ý nghĩa của hình ảnh 2 người con gái mà ở phần viết về thượng nguồn của sông Hương, tác phẩm đã gợi đến. Câu nghị luận (3 điểm) yêu cầu TS trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến “kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Câu 3, phần tự chọn (5 điểm) về tác phẩm Rừng Xà nu (chương trình cơ bản), tính chất sử thi của tác phẩm thể hiện qua nhân vật Tnú và tác phẩm thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử (chương trình nâng cao)...

Thí sinh dự thi vào Trường Đại học KHTN TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Sinh. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi vào Trường Đại học KHTN TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Sinh. Ảnh: Mai Hải

Với đề Văn khối C này, nhiều TS dự thi vào Học viện An ninh nhân dân (Hà Nội), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thích câu nghị luận về kẻ cơ hội, người kiên trì nhưng cho là khó viết. Đây cũng là nội dung khá trừu tượng, không sát, không gần gũi với giới trẻ học sinh lắm. Mặc dù là câu hỏi mở, nhưng các TS đều đánh giá câu nói này mang tính trừu tượng, khó lấy ví dụ cụ thể trong thực tế. “Bọn em cũng từng làm nhiều bài về nghị luận xã hội nhưng thường là vấn đề cụ thể, thiết thực với đời sống chứ không nghĩ tới những câu hỏi nghiêng về triết lý như thế này”, TS Đào Thị Hồng dự thi vào ĐH Hà Nội chia sẻ.

Trong khi đó, đề Văn khối D được nhiều TS thích thú. Nhiều em ra khỏi phòng thi với vẻ mặt phấn khởi và cho biết, viết được đến tờ giấy thi thứ 3. TS Nguyễn Thị Hà, đến từ THPT Xuân Trường B, Nam Định, dự thi vào ĐH Hà Nội, phấn khởi: “Các câu hỏi đều không khó, học sinh có thể phân tích và nêu cảm nhận tốt. Câu nghị luận rất thú vị, rất sát với suy nghĩ và thực tế cuộc sống của học sinh chúng em hiện nay”. Rất nhiều TS cho rằng, câu văn nghị luận xã hội mang tính thời sự khá cao và rất thực tế. Bởi thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập khá nhiều đến vấn đề giới trẻ hiện nay tôn sùng “thần tượng” đến mức mê muội, vì thế các em có thể liên hệ thực tế sống động ngay bản thân mình và bạn bè. Nhiều TS cho biết, bài làm đã đề cập đến thần tượng của mình là GS Ngô Bảo Châu.

Trong khi đó, các em cũng lên án những hành vi thần tượng một cách mê muội các ngôi sao ca nhạc nước ngoài, đơn cử như hành vi hôn lên ghế mà ca sĩ Bi Rain (Hàn Quốc) đã ngồi khi ca sĩ này sang biểu diễn tại Việt Nam mới đây. “Em cũng đã phản đối trong bài viết việc một số bạn nhuộm tóc, ăn mặc, đeo phụ kiện và có những cử chỉ, hành động y hệt các ban nhạc nước ngoài mà các bạn ấy thích”, TS Lê Anh Minh, Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, dự thi ĐH Hà Nội cho biết. Như trở thành thông lệ trong vài năm trở lại đây, đề thi dành 3 điểm cho các câu nghị luận xã hội.

Đặc biệt, vấn đề mà đề thi văn năm nay đề cập tới lại rất thời sự và sát sườn với đời sống, tâm lý của giới trẻ. Bạn Lê Lâm Ái Ngân, dự thi ngành Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Thời gian qua báo đài nói rất nhiều về vấn đề thần tượng như thế nào và bản thân em cũng nhận thấy các bạn bè cùng trang lứa hiện đang chạy theo hình tượng K-POP, các người mẫu, diễn viên Hàn Quốc một cách quá đà. Đề thi không chỉ phản ánh đúng thực trạng hiện nay mà còn là cơ hội để các bạn trẻ tụi em phải suy nghĩ lại lối sống của mình”. Trong khi đó, nhận xét về câu nghị luận xã hội khối C, bạn Ánh Nguyệt dự thi ngành Báo chí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, vấn đề sống cơ hội là rất hay nhưng không dễ làm, bởi không dễ tìm vài tấm gương thực tế minh họa cho câu trả lời.

Nhóm PV


  • 140 thí sinh bị kỷ luật

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, trong ngày thi 9-7, số TS đến dự thi chiều là 600.214 em. Như vậy, có 2.842 thí sinh bỏ thi so với buổi sáng (số thí sinh đến dự thi buổi sáng là 603.056 em).

Đợt thi thứ 2 này, cả nước có 121 trường đại học tổ chức thi; số điểm thi là 956, số phòng thi là 23.333. Toàn quốc có 66.726 cán bộ tham gia tổ chức thi; số sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tổ chức thi là 17.093. Số chỗ ở miễn phí đạt 41.666 chỗ.

Bộ GD-ĐT đánh giá, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót; được đa số thí sinh đánh giá là vừa sức. Đánh giá sơ bộ, Bộ GD-ĐT cho rằng, ngày đầu đợt 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 diễn ra an toàn, suôn sẻ trong trật tự.

Nhìn chung, Quy chế thi tuyển sinh được duy trì nghiêm túc tại các hội đồng thi, không khí trường thi trật tự, an toàn. Các Hội đồng thi tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm quy chế và sai sót của thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Trong ngày hôm qua, có 140 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó buổi chiều là 75 thí sinh, buổi sáng 65 thí sinh. Trong số 140 thí sinh bị kỷ luật, có 7 thí sinh bị khiển trách, cảnh cáo 2, đình chỉ thi 124, không được dự thi do đến muộn 7. Cả nước có 2 cán bộ coi thi bị khiển trách và 1 cán bộ bị đình chỉ coi thi. Thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.

Rút kinh nghiệm từ đợt thi đầu tiên (có hiện tượng tuồn đề thi ra ngoài sớm), đợt thi thứ 2 này các trường đã siết chặt hơn kỷ luật phòng thi. Rõ nhất là việc giám thị không cho thí sinh mang đề thi ra ngoài khi ra sớm. Kể cả những thí sinh ra trước từ 5 - 15 phút, giám thị cũng thu lại đề thi.

  • Xu hướng ra đề thi - Hết thời học vẹt

Mấy năm gần đây, đề thi môn văn đã tác động nhiều tới việc dạy và học văn trong trường phổ thông. Trước đây, cách ra đề nhàm cũ, thiên về tái hiện máy móc kiến thức đã chi phối rất nhiều cách dạy – học thiếu chủ động, sáng tạo buộc HS phải “nhai đi nhai lại” mớ kiến thức do thầy cô truyền đạt để đáp ứng yêu cầu của đề thi. Vì thế, sự xuất hiện của những đề thi có tính đột phá chắc chắn sẽ nhận được đồng thuận từ phía người dạy, người học phá bỏ được tâm lý nặng nề, ngán ngại trên.

Chúng ta có thể khuôn những chuyển biến tích cực do đề thi mang lại vào 2 phương diện: thứ nhất, khắc phục được lối học thụ động, nhồi nhét và máy móc; thứ hai: tạo được không gian rộng để thí sinh có cơ hội được trình bày cách đánh giá, suy nghĩ của bản thân. Phần lớn các câu hỏi tái hiện kiến thức (câu 2 điểm) trong đề thi tuyển sinh đại học hai khối C và D năm nay, đề thi khối C, cao đẳng (năm 2010), đề khối D, cao đẳng (năm 2011) thực sự tạo được hứng thú cho thí sinh. Những câu hỏi này có sự kết hợp cao giữa tái hiện và vận dụng kiến thức, không chỉ đòi hỏi HS nắm chắc kiến thức cơ bản mà phải thực sự tư duy. Do vậy, nếu xác định môn văn chỉ như một môn học thuộc lòng, chắc chắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đề bài.

Các đề thi nghị luận xã hội (NLXH) và nghị luận văn học (NLVH) với nhiều đề bài có tính so sánh, tổng hợp như trong phần lớn các đề thi tuyển sinh đại học gần đây câu II (khối C) năm 2010, câu II (khối C) năm 2011, câu III.a (khối D), câu III.b (khối C) năm nay, hoặc câu III.a, III.b (khối C) năm 2009, câu III.b (khối D), câu III.a, III.b (khối C) năm 2010… chính là những đề bài tạo ra được “không gian” rộng như đã nói ở trên. Và không chỉ có vậy, đây là những dạng đề bài rèn luyện cho HS kỹ năng tổng hợp, so sánh, đánh giá trước những vấn đề phức tạp vốn ít được chú ý trước đây.

Bên cạnh những ghi nhận từ tác động tích cực trong cách ra đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay, cũng còn một số ý kiến băn khoăn về độ mở hợp lý của đáp án; về việc liệu học sinh có thể ghi nhớ, cảm thụ sâu sắc tất cả các chi tiết, hình ảnh trong chừng ấy tác phẩm mà cấu trúc đề thi quy định? Đây là những vấn đề thiết nghĩ người ra đề thi không nên bỏ qua.

Thạc sĩ Triệu Thị Huệ
(Tổ trưởng bộ môn Văn, THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM)

  • Nói không với văn mẫu

Đề thi Văn khối D vừa quen, vừa lạ. Quen vì cấu trúc đề, kiểu bài thường được đề cập tới trong đề thi của nhiều năm, nhưng lạ vì có những điểm mới trong nội dung, cách thức ra đề. Ở câu 1 là câu hỏi giáo khoa, nội dung đề cập đến một chi tiết quen thuộc, quan trọng trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Câu hỏi rõ ràng, không có tính chất đánh đố thí sinh. Nhưng để đáp ứng đúng yêu cầu của câu hỏi, thí sinh phải hiểu rõ hoàn cảnh và ý nghĩa của sự việc.

Câu 2 là câu gây bất ngờ về đề tài được đề cập mang tính thời sự được nhiều người quan tâm. Câu hỏi có tính định hướng, có ý nghĩa giáo dục. Đối với thí sinh thần tượng là gì có lẽ không phải là vấn đề khó nhưng thái độ như thế nào đối với thần tượng, phân biệt thế nào là ngưỡng mộ và thế nào là mê muội… là những chuyện không dễ để trình bày. Ngoài ra, thí sinh cũng dễ tự giới hạn thần tượng trong phạm vi âm nhạc, điện ảnh, thể thao… do đó nội dung cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, đề cũng có tính phân loại khá cao.

Câu 3 thuộc thể loại nghị luận văn học có cách thức thể hiện mới lạ. Các năm trước, câu 3a và câu 3b thường đồng dạng về kiểu bài (hoặc so sánh văn học, hoặc cảm nhận thơ). Nhưng năm nay, câu 3a là đề so sánh văn học, trong khi câu 3b là cảm nhận thơ. Câu 3a đã khéo chọn lựa hai chi tiết ở hai phần kết thúc của hai tác phẩm vừa có những điểm tương đồng, vừa lại có những điều khác biệt. Câu này có tính phân loại cao, không chỉ đòi hỏi thí sinh phải hiểu được ý nghĩa của những chi tiết đó. Đặc biệt lại còn phải so sánh để chỉ ra điểm giống và khác nhau ở hai chi tiết kết thúc. Đề như thế này hình như chưa có bài văn mẫu nào. Thí sinh không chỉ thuộc mà còn phải hiểu thì mới có thể làm tốt đề bài.

Nguyễn Hữu Dương
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn - TPHCM)

  • Thí sinh... 56 tuổi!

Đó là TS Nguyễn Thị Phong, dự thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tại cụm thi Vinh (Nghệ An). Về môn thi đầu tiên, bác Phong cho biết: “Môn Văn bác chỉ tự tin làm được câu 2 và câu 3b thôi. Riêng câu “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” bác làm khá tốt. Câu này 3 điểm nhưng bác nghĩ là khá khó đối với phần lớn các TS bởi lẽ trải nghiệm cuộc sống của các cháu còn ít. Bác thuận lợi hơn các cháu ấy bởi mình đã trải qua thực tế xã hội và có trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn...”. “Nếu đỗ đại học, bác có đi học không?” - chúng tôi hỏi. Thí sinh 56 tuổi này không ngần ngại trả lời ngay: “Có chứ”. Bà cho biết, nếu đỗ đại học bà sẽ đón cả chồng vào TPHCM để vừa tiện cho việc học và chăm sóc ông.

Thí sinh Nguyễn Thị Phong tại Hội đồng thi Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An).

Thí sinh Nguyễn Thị Phong tại Hội đồng thi Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An).

D.Cường

  • Bên lề

* Hội chứng mệt, xỉu: Trong ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2, phòng thi không yên bình khi có khá nhiều trường hợp TS ngất xỉu, nhiều trường hợp sử dụng tài liệu và điện thoại di động (ĐTDĐ).

Tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, trong giờ thi môn Sinh, TS Trần Thị Thu (SBD: 14547, quê Bình Thuận) thi vào ngành Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đang làm bài, còn 30 phút cuối thì bị đau bụng và ngất xỉu. Giám thị đã chuyển em đến phòng y tế để cấp cứu. Vào buổi chiều TS này bỏ thi. Tại hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong buổi sáng thi môn Văn (khối D1) có 2 TS trong lúc làm bài đã bị tụt huyết áp và phải lên phòng y tế điều trị. Trong khi đó, ở cụm thi Quy Nhơn thuộc hội đồng thi Trường ĐH Y Dược TPHCM, TS Hoàng Thị Chi khi làm bài môn Sinh (khối B) đã bị ngất xỉu 2 lần. Giám thị đã thu bài thi và đưa TS đi cấp cứu.

* Thiếu giấy thi: Tại điểm thi Trường ĐH Cần Thơ (thuộc hội đồng thi Học viện Hàng không Việt Nam), 2 phòng thi thiếu giấy làm bài nên giám thị đã đưa TS giấy thi có màu khác. Giám thị coi thi đã làm biên bản ghi nhớ để TS tiếp tục làm bài. Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT, tất cả bài thi này sẽ đem ra chấm hội đồng.

* “Chết” vì ĐTDĐ: Ngoài việc TS bị mệt, xỉu thì tình hình kỷ luật phòng thi đợt 2 ở cụm thi TPHCM căng thẳng với việc TS mang tài liệu và ĐTDĐ. Tại cụm thi Cần Thơ, một TS thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Nhiều hội đồng thi như Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có hàng chục TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ và tài liệu vào phòng thi.

* Bóc đề thi sớm: Một giám thị thuộc hội đồng thi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã bị đình chỉ do bóc đề thi trước giờ quy định. Sau khi bị phát hiện, cán bộ coi thi này đã bị lập biên bản và bị đình chỉ coi thi.

* Thí sinh bị mất cắp: Đó là hoàn cảnh của TS Huỳnh Thị Lộc (Củ Chi, TPHCM) dự thi ngành Sư phạm mầm non tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn. Sau giờ thi môn Văn buổi sáng, Lộc ra khu vực để túi sách thì phát hiện ví tiền và chiếc điện thoại không cánh mà bay. Ngay sau đó, Lộc đã nhờ đội sinh viên tiếp sức báo cáo lên Hội đồng thi ĐH Sài Gòn. Được biết, vào thời điểm đó, người bên ngoài chưa được phép vào khu vực thi.

* Tai nạn trên đường ứng thí: Tại Hội đồng thi ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) ghi nhận trường hợp một TS bị tai nạn trên đường vào TPHCM ứng thí. Đó là TS Trần Thị Kim Mới (Nha Trang), dự thi ngành Địa chất của trường. Mới cho biết: “Vừa xuống xe đò gần Bến xe miền Đông, định thuê xe ôm đến địa điểm thi thì bị chiếc ba gác quẹt ngang. Mẹ chỉ bị xây xát nhẹ, riêng em phải nhờ bác tài xế chạy taxi đưa vào Bệnh viện Gia Định ngay sau đó”. Để cho con kịp bình phục tham dự kỳ thi ĐH năm nay, mẹ Mới phải thuê phòng đặc biệt, có bác sĩ riêng mất hơn 3 triệu đồng. Được biết, những ngày dự thi, lực lượng tiếp sức mùa thi đã đăng ký đưa đón hai mẹ con Mới đến trường thi. Riêng Mới được cõng lên tận phòng thi vì chân vẫn chưa thể đi được.

* Mổ ruột thừa vẫn đi thi: Tại Cần Thơ, trong buổi thi sáng 9-7, có 1 trường hợp TS mổ hở ruột thừa vào khoảng 2 giờ khuya nhưng vẫn kiên quyết tham gia thi môn Văn. TS đặc biệt này đã được Hội đồng coi thi A3, khu 2 Đại học Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi và em cũng đã hoàn tất tốt bài thi. Trong khi đó, cũng tại điểm thi khu 2 Đại học Cần Thơ, vào buổi chiều thi môn Toán cũng có 1 TS bị suy nhược và không đủ sức hoàn tất bài thi nên đã được hội đồng coi thi đưa đi bệnh viện sau 2/3 giờ làm bài.

* Thí sinh ngất xỉu vì nắng nóng. Trong ngày 9-7, thời tiết ở Đà Nẵng trở nên nóng bức đã khiến TS Trần Thị Tuyền (Hội đồng thi CĐ Công nghệ, TP Đà Nẵng) bị ngất xỉu trong môn thi buổi sáng. Khoảng 15 phút trước khi hết giờ làm bài, TS Tuyền bất ngờ ngất xỉu, ngay lập tức các giám thị báo lên hội đồng tuyển sinh tiến hành sơ cấp cứu, đồng thời ổn định trật tự phòng thi. Hơn mười phút sau, TS tỉnh lại, nhưng không trở lại phòng thi, vì trước đó TS này kết thúc bài thi của mình.

Nguyên nhân ban đầu xác định, do áp lực thi cử, TS thức đêm, cộng thêm thời tiết oi bức khiến TS mệt mỏi, choáng váng và ngất xỉu. Theo thông tin từ Ban Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, trong đợt thi này có 2 TS bị tai nạn gãy chân trước đó vẫn tham gia dự thi. Đó là TS Trần Thị Lai (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) và TS Ngô Thị Thanh Phương (Hòa Liên - Hòa Vang Đà Nẵng), thi vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

* Thừa Thiên - Huế: Nông dân giúp sĩ tử. Trưa ngày 9-7, hàng ngàn sĩ tử nghèo mà ĐH Huế phân về thi tuyển sinh tại các địa điểm thi vùng ven TP Huế đã được các bác nông dân cho ăn cơm trưa, động viên, chia sẻ khó nhọc sau môn thi đầu tiên.

Anh Hà Văn Hương, Bí thư Đoàn phường Hương Chữ, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để thí sinh ở xa yên tâm về nơi ăn chốn ở, tập trung tốt làm bài thi, hơn 200 gia đình nông dân nhà ở cạnh điểm thi tuyển sinh ĐH Huế ở Trường THPT Đặng Huy Trứ và THCS Hương Chữ đã bố trí 900 chỗ ăn, ở miễn phí cho thí sinh. Trưa 9-7, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tham gia tiếp sức kỳ thi tuyển sinh ĐH lần 2 bằng 7.000 suất cơm chay miễn phí. Kinh phí do các tình nguyện viên quyên góp từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Nhóm PV

>> Đợt 2, Kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2012: 124 thí sinh bị đình chỉ thi

Tin cùng chuyên mục