Trên 95,7% học sinh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông

* Đề nghị các tỉnh ĐBSCL xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm

* Đề nghị các tỉnh ĐBSCL xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm

(SGGP).- Sau khi giải quyết xong sự cố về vụ chấm thi ở ĐBSCL, hôm qua 24-6, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Theo đó, với tổng số thí sinh dự thi là 1.057.354 em (THPT là 916.957 thí sinh; GDTX 140.397 thí sinh), tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Tỷ lệ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi đạt 13,83% (tăng 3,81% so với năm 2010). Tỷ lệ các bài thi đạt 5 điểm trở lên của các môn thi là 81,36%.

Năm nay, tương quan về kết quả thi giữa các vùng tương tự như năm 2010. Cụ thể, 8 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân cao nhất toàn quốc 99,52% (năm 2010 là 99,14%,). Có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân thấp nhất toàn quốc vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ (90,73%) và các tỉnh vùng ĐBSCL (90,81%). Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đậu tốt nghiệp toàn quốc là 85,47% (tăng 18,76% so với năm 2010).

Với kết quả này, trái với băn khoăn của dư luận về thành tích “đẹp như mơ”, Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi được chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, an toàn trên phạm vi toàn quốc. Ngay từ đầu năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc dạy học theo Chuẩn kiến thức kỹ năng, quan tâm phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá.

Theo Bộ GD-ĐT: “Đó là kết quả của sự đầu tư lớn và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và của Bộ GD-ĐT, sự quan tâm của các gia đình, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và học sinh. Đó cũng là kết quả đạt được của các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tuy vậy, Bộ GD-ĐT vẫn thừa nhận, tỷ lệ tốt nghiệp GDTX năm 2011 khá cao (tăng 18,76% so với năm 2010) nhưng không đồng đều giữa các địa phương. Có 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, nhiều tỉnh có kết quả tốt nghiệp GDTX tăng “đột biến” như Điện Biên, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… Trong khi đó, có 5 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%.

Về công tác chấm thi và công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến sự cố ở 11 tỉnh ĐBSCL. Bộ cho rằng đã chỉ đạo và hướng dẫn chấm thi theo đúng kế hoạch. Đối với các môn khoa học xã hội, hướng dẫn chấm đều thể hiện tinh thần “đề mở, đáp án mở”, khuyến khích sự sáng tạo của thí sinh. Phần lớn các Sở GD-ĐT đã tổ chức chấm thi đúng quy chế. Tuy nhiên, tại 11 tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo các hội đồng chấm thi đã đưa ra văn bản thỏa thuận hướng dẫn chấm thi các môn tự luận với yêu cầu chuẩn thấp hơn hướng dẫn chung của bộ. Văn bản này đã được lưu hành, sử dụng ở một số hội đồng chấm thi trong vùng. Việc làm này là trái với quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, gây ra lo lắng đối với học sinh, phụ huynh và những bức xúc trong xã hội.

Sau khi cân nhắc tất cả các khía cạnh của vấn đề, Bộ GD-ĐT đã quyết định công nhận kết quả chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp của 11 sở GD-ĐT vùng ĐBSCL. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong vùng đề nghị chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của quy chế thi. “Việc 11 hội đồng chấm thi các tỉnh ĐBSCL soạn thảo và cho lưu hành Hướng dẫn chấm thi các môn tự luận khác với Hướng dẫn chấm thi như nêu ở trên là một khuyết điểm”, Bộ GD-ĐT kết luận.


P.THẢO

Tin cùng chuyên mục