Trên đất thiêng Stalingrad…

Xe lửa chạy qua vùng đất “Vòng cung lửa Kyrsk”, hãy còn cách TP Volgagrad (trước đây mang tên Stalingrad) trên dưới 10km, chúng tôi đã nhìn thấy khối tượng đài Bà mẹ Tổ quốc một tay dang ngang, một tay giương cao thanh kiếm đầy kiêu hãnh sừng sững in trên nền trời xanh.
Trên đất thiêng Stalingrad…

Xe lửa chạy qua vùng đất “Vòng cung lửa Kyrsk”, hãy còn cách TP Volgagrad (trước đây mang tên Stalingrad) trên dưới 10km, chúng tôi đã nhìn thấy khối tượng đài Bà mẹ Tổ quốc một tay dang ngang, một tay giương cao thanh kiếm đầy kiêu hãnh sừng sững in trên nền trời xanh.

Khối tượng đài này là một trong những tượng đài tưởng niệm lớn nhất thế giới. Ý tưởng cần phải xây dựng một bức tượng đồ sộ, hoành tráng để tưởng nhớ những chiến sĩ Hồng quân và người dân Xô Viết ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã nảy sinh ngay sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc.

Tuy nhiên, phải 22 năm sau, dự định đó mới thành hiện thực. Nếu ngày 12-4-1961, cả thế giới sửng sốt trước việc Thiếu tá, phi hành gia Xô Viết Yuuri Gagarin là người đầu tiên bay vào khoảng không vũ trụ thì ngày 15-10-1967, các phương tiện truyền thông trên thế giới cũng bất ngờ trước kỳ công thứ 2 của Liên Xô: khánh thành khối tượng đài Bà mẹ Tổ quốc.

Tượng đài Bà mẹ Tổ quốc đứng trên phần đất cao nhất của nước Nga - đồi Mamaev - mảnh đất thiêng liêng không chỉ đối với vùng Volgagrad mà đối với cả nước Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Đã diễn ra một cuộc đọ sức giằng co, dữ dội giữa quân đội Xô Viết và các sư đoàn lính Hitler kéo dài suốt 140 ngày đêm để giành giật cao điểm này.

Chiến thắng của Hồng quân tại ngọn đồi Mamaev đã góp phần vào bản hùng ca Stalingrad -một đòn đánh có tính chất bản lề, tiêu diệt nhiều sư đoàn tinh nhuệ của Hitler, đẩy quân Đức vào thế bị động, tạo một bước ngoặt làm xoay chuyển cục diện của cuộc chiến vào mùa xuân năm 1943.

Khối tượng Bà mẹ Tổ quốc đang được trùng tu nâng cấp.

Quần thể Bà mẹ Tổ quốc là một tổ hợp nhiều tác phẩm điêu khắc, nhiều khu vực tưởng niệm, những vườn hoa thoáng mát và những lối đi rộng thênh thang nối từ khu vực này sang khu vực kia. Chiếm vị trí trung tâm là bức tượng Bà mẹ Tổ quốc. Bức tượng cao 85m (tính từ mũi kiếm trên tay trái của bà mẹ tới bệ chân tượng). Phần tượng mô tả bà mẹ Nga cao 52m, phần thanh kiếm dài 33m. Trọng lượng của cả khối tượng là 8.000 tấn. Riêng thanh kiếm nặng 14 tấn.

Để đi từ chân đồi lên tới bệ đỡ bức tượng, phải bước lên 200 bậc, tượng trưng cho 200 ngày đêm chiến trận ác liệt, giằng co trong chiến dịch Stalingrad.

Chạy vòng quanh phía dưới bệ đứng của Bà mẹ Tổ quốc là những phiến đá xanh ghi khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của tướng lĩnh chỉ huy các quân binh chủng đã tham gia Chiến dịch Stalingrad.

Phụ trách chính công việc tạo hình tượng đài Bà mẹ Tổ quốc là nghệ sĩ điêu khắc Xô Viết nổi tiếng Yevgheny. Ông đã dựa vào hình dáng của Valentina Izortova, một nữ công dân của TP Volgagrad để tạo nên hình hài bà mẹ. Người chịu trách nhiệm xây dựng công trình này là công trình sư Nikolai Nikitin - tác giả thiết kế nên Tháp truyền hình Ostankino tại Mátxcơva (từng là công trình cao nhất thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1967 tới năm 1976).

Dưới sự chỉ đạo của Nikolai Nikitin, bức tượng được lắp ráp từ các khối bê tông cốt thép riêng biệt. Các bộ phận lớn, phức tạp như phần đầu hay phần tay nâng kiếm được lắp riêng ở dưới đất, sau đó được lắp ghép bằng cần cẩu.

Quần thể Bà mẹ Tổ quốc được khởi công vào tháng 5-1959, trải qua hơn 8 năm mới được hoàn tất. Như vậy, Bà mẹ Tổ quốc đã sừng sững đứng trên vùng đất thiêng Stalingrad gần nửa thế kỷ.

Vào trước lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, dư luận nước Nga đã xôn xao: Liệu bức tượng Bà mẹ Tổ quốc cũng như toàn bộ khu phức hợp còn chịu nổi sự thử thách của thời gian? Chất liệu và kỹ thuật kiến trúc cách nay đã gần nửa thế kỷ, liệu có ảnh hưởng tới độ an toàn của khối tượng chính và cả quần thể không?

Chuyên gia trùng tu nổi tiếng Vadim Tserkovnikov cho rằng những khối bê tông trên tượng đã xuất hiện nhiều vết rạn; nền dưới chân tượng đã phát hiện những mạch nước ngầm. Ông yêu cầu cấp thiết phải trùng tu lại. Nhóm chuyên gia và các nhà khoa học cũng ủng hộ ý kiến cần trùng tu gấp công trình tưởng niệm.

Vào dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít này, hoa tươi sẽ lại xếp dày nhiều lớp dưới chân Bà mẹ Tổ quốc. Và hàng triệu người Nga, người dân các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết xưa kia cùng du khách các nước sẽ kéo tới đồi Mamaev để nghiêng mình trước Bà mẹ Tổ quốc. Cùng ôn nhớ lại chiến công của Chiến thắng Stalingrad - một kỳ tích lừng lẫy trong lịch sử chiến tranh, một biểu hiện bất tử quyết tâm gìn giữ và bảo vệ non sông đất nước, ý chí kiên cường và lòng quả cảm của người Nga và các dân tộc anh em để đập tan mọi tham vọng xâm lược.

TÔ HOÀNG
(Theo báo chí CHLB Nga)

Tin cùng chuyên mục