Thể thao nhà nghề thế giới từ 2006 đến 2007

Trên những nẻo đường vinh quang!

Trên những nẻo đường vinh quang!

Từ 2006 đến 2007, những nẻo đường vinh quang vẫn luôn tấp nập bóng dáng những vận động viên thể thao nhà nghề, những người muốn vinh danh “thiên hạ”.

Quần vợt

Federer tiếp tục giữ ngôi “minh chủ” 2007?

Trên những nẻo đường vinh quang! ảnh 1

“Kiếm sĩ cô độc” Federer trên đỉnh ATP.

Năm 2006 là một năm đầy thành công với tay vợt số 1 thế giới người Thụy Sĩ Roger Federer. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Federer “ngồi” trên ngôi vô địch thế giới. Anh đã lập thành tích kỷ lục với 92 trận thắng (vượt ngưỡng kỷ lục 90 trận thắng trong một mùa mà huyền thoại Jimmy Conners lập trước đây) và chỉ thua vỏn vẹn 5 trận (trong đó hết 4 trận là trước cùng một đối thủ Rafael Nadal, 3 trong số 4 trận thua là trên sân đất nện).

Federer giành được 12 danh hiệu (trong đó có 3 ngôi vô địch Grand Slam và chức “minh chủ võ lâm” ở giải “Hoa Sơn luận kiếm” Masters Cup Thượng Hải cuối mùa – giải dành cho 8 “cao thủ” quần vợt giỏi nhất năm). Số tiền thưởng mà Federer kiếm được cũng đạt mức kỷ lục: 8 triệu 333 ngàn 585 USD (vượt qua con số kỷ lục 7 triệu USD trong một mùa giải).

Bước sang năm mới 2007, liệu Federer sẽ tiếp tục giữ ngôi “minh chủ võ lâm”? Nhiều khả năng sẽ diễn ra như vậy, dù rằng người ta đặt rất nhiều niềm tin vào Novak Djokovic (Serbia, 19 tuổi, hạng 16 thế giới), Andy Murray (Anh, 19 tuổi, hạng 17 thế giới), Richard Gasquet (Pháp, 20 tuổi, hạng 18 thế giới) hay Tomas Berdych (CH Czech, 21 tuổi, hạng 13 thế giới), Marcos Baghdatis (Cyprus, 21 tuổi, hạng 12 thế giới).

Trong khi các “kiếm sĩ” trẻ vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành – ít ra là còn phải chờ một hai mùa giải nữa – các cựu “kiếm sĩ” còn lại không có khả năng đánh bại Federer cô độc trên đỉnh núi cao ATP!

Quyền Anh

Khi bản đồ thế giới… vắng bóng người Mỹ

Những cái tên như Mike Tyson, George Foreman, Evander Holyfield… giờ đây chỉ còn sống trong ký ức người dân Mỹ. Làm sao không phải là ký ức cho được, khi mà Foreman đã giải nghệ, Tyson “thép” ngày nào chỉ còn là Tyson “béo và chậm chạp” sẵn sàng thượng đài để lượm … bạc cắc bất chấp đối thủ là nam võ sĩ hạng nhẹ hay thậm chí cả võ sĩ nữ, khi mà Holyfield cho dù rất mạnh miệng tuyên bố rằng: “Tôi thậm chí còn không biết khi nào sẽ giải nghệ”, nhưng với cái tuổi 44 và vị trí hạng 15 trên bảng xếp hạng của WBO thì liệu còn làm nên trò trống gì?

Trên những nẻo đường vinh quang! ảnh 2

Chẳng lẽ người Mỹ phải nhờ đến… Sylvester Stallon (bên phải) – thủ vai Rocky Balboa để tìm lại ước mơ chiến thắng trong quyền Anh hạng nặng?

Người Mỹ vốn tự hào về nền quyền Anh chuyên nghiệp sau khi biết tự đánh giá rằng quyền Anh nghiệp dư của họ còn lâu mới sánh bằng Cuba. Nhưng giờ đây thì sao? Hãy nhìn vào 3 nhà vô địch hiện tại của tổ chức WBA (Nikolay Valuev), tổ chức WBC (Oleg Maskaev) và của tổ chức IBF (Wladimir Klitschko) – không một người nào sinh ra ở Mỹ! Cả 3 đều trưởng thành từ một “lò” quyền Anh vốn đối nghịch với người Mỹ: “lò” của Liên Xô cũ.

Quyền Anh Mỹ đã trở nên quá túng quẫn, túng quẫn đến độ trận tranh đai vô địch hạng bán trung (hạng cân mà trước đây rất hiếm khi giới mộ điệu Mỹ để ý đến) của tổ chức WBC giữa Floyd Mayweather và Oscar de la Hoya đã, đang và sẽ trở thành sự kiện “hot” nhất – dự kiến sẽ thu lại 18 triệu USD. Đơn giản chỉ vì cả hai đều là người Mỹ (thật ra thì Hoya là người Mỹ gốc Mexico), khiến cho người Mỹ cảm thấy sự thân thuộc.

Cuối cùng thì, khi đã hoàn toàn tuyệt vọng, nhiều người Mỹ tìm đến với ánh hào quang của Rocky Balboa – võ sĩ hạng siêu nặng trên… màn ảnh rộng – trong bộ phim cùng tên mà ngôi sao cơ bắp đã quá tuổi (60 tuổi) Sylvester Stallon thủ vai chính. Ít nhất, khi Balboa giành chiến thắng, người Mỹ lại cảm nhận được sức mạnh mà họ từng có trong quá khứ, với những chiến binh quyền Anh dũng mãnh.

Người Mỹ sẽ làm gì để vẽ lại bản đồ quyền Anh chuyên nghiệp cho riêng mình? Đó là câu hỏi mà nếu đã không thể trả lời trong năm 2006, bạn cũng sẽ vô phương giải phương trình trong vỏn vẹn một năm sau – năm 2007.

Bóng rổ

NBA nuôi dưỡng tài năng nước ngoài

Trên những nẻo đường vinh quang! ảnh 3

Yao Ming của Trung Quốc (áo đỏ, trong vòng vây các bóng áo trắng) là tiêu biểu cho sự kéo gần khoảng cách giữa NBA với phần còn lại của thế giới.

Trong một phương cách nhằm kéo gần khoảng cách giữa “thế giới thần tiên” của bóng rổ NBA với phần còn lại “trần tục” của bóng rổ, các quan chức NBA đã mở toang cánh cửa đón nhận nhiều tài năng từ nước ngoài đến tham gia thi đấu với những tài năng số 1 của nước Mỹ.

Từ mùa giải năm nay, người ta có thể đếm được hàng loạt những tay ghi điểm đáng nể đến từ Serbia, từ Tây Ban Nha, từ Hy Lạp… cho đến Canada, Mexico, Puerto Rico và thậm chí là có cả Trung Quốc (với Yao Minh là người đi tiên phong còn Yi Jianlian sẽ là người nối gót cho “tầm cao Trung Quốc”).

Đây vốn là chiến công không nhỏ của NBA, nhưng ngược lại, họ cũng đang tự hại bản thân mình. 

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục