Tri ân và trách nhiệm

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Nhiều người con, những thanh niên đã cất bước đi “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”,  không ít người đã hy sinh hoặc phải mang thương tật suốt đời. 

Cả nước hiện ghi nhận hơn 9,2 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số cả nước); trong đó có hơn 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh... Độc lập, tự do của dân tộc đã được xây đắp bằng máu xương của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào khắp cả nước. 

Suốt 73 năm qua, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống tri ân, khẳng định tình cảm sâu sắc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của đất nước. Đền ơn đáp nghĩa đối với người có công không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Hàng năm, ngân sách dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công trong cả nước. 

Tại TPHCM có trên 278.000 người có công, đứng thứ ba toàn quốc (sau Hà Nội, Quảng Nam) về số lượng người có công. Cùng với nguồn lực từ nhà nước (72 tỷ đồng/tháng), người dân TPHCM đã chung sức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhiều doanh nghiệp, người dân đã cùng góp công, góp sức xây dựng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc lâu dài thương binh nặng; tặng sổ tiết kiệm, tặng học bổng tới con em người có công… TPHCM là nơi sáng tạo khởi phát nhiều mô hình tri ân thiết thực với người có công và lan tỏa thành phong trào chung của cả nước. 

Sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã làm vơi đi phần nào những mất mát của những người đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Song, tri ân với người đã ngã xuống, đáp đền với người có công đang sống dẫu có bao nhiêu cũng không thể nào đủ so với sự hy sinh, cống hiến, mất mát to lớn. Cũng còn đó những nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi trong việc bù đắp đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân, máu xương cho Tổ quốc. 

Hơn 1,2 triệu liệt sĩ yên nghỉ dọc đất nước hình chữ S, từ Bắc vô Nam với hơn 3.000 nghĩa trang qua những cái tên nhắc đến đã nao lòng: Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc… Mỗi nghĩa trang là hàng ngàn ngôi mộ nối tiếp ngôi mộ của liệt sĩ, tăm tắp thẳng hàng, lặng lẽ mênh mang. Điều xót xa là ở nhiều nghĩa trang, nhiều liệt sĩ mãi mãi ra đi mà chưa kịp để lại một dòng địa chỉ, không kịp để lại một cái tên. Nhiều ngôi mộ hoàn toàn không có thông tin gì, thậm chí là mộ vọng (không có hài cốt). Trong cả nước, còn hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác định đủ thông tin và trên mảnh đất này, còn hơn 200.000 liệt sĩ vẫn còn nằm rải rác đâu đó, chưa được tìm thấy, chưa được cất bốc, quy tập để các anh được sum họp với đồng đội. 

Riêng TPHCM, trong số hơn 26.000 mộ liệt sĩ, còn hơn 10.000 mộ biết một phần thông tin hoặc chưa biết thông tin, 724 mộ vọng. “Thời gian không chờ chúng ta! Càng để lâu, hài cốt liệt sĩ sẽ bị thời gian và không gian hủy hoại”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, trăn trở và đây cũng là trăn trở chung của cả nước, khi chiến tranh đã khép lại 45 năm và thời gian càng lùi xa, địa hình, vị trí ngày càng thay đổi, nhân chứng ngày càng ít ỏi. Nếu không tăng tốc chạy đua với thời gian trong quy tập, nếu không làm tốt hơn việc giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ, thì biết bao giờ thế hệ đi sau mới có thể trả nổi nặng nợ núi sông với thế hệ tiền bối?! 

Với người đang sống, cả nước đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện. Đó là không tồn đọng với hồ sơ “đủ điều kiện” đã nằm trong ngăn kéo bàn làm việc của cơ quan chức năng, nhưng trong cộng đồng khắp cả nước, còn bao nhiêu hồ sơ chưa làm, hay quá trình làm đến nay vẫn… “chưa đủ điều kiện”? Cả nước có khoảng 100.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày đang còn sống; trong đó, hơn 15.300 người chưa được hưởng chế độ chính sách có công. Ngành binh vận - 1 trong 3 mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận - có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ nhưng đến nay vẫn “tắc”, vẫn dang dở trong giải quyết chế độ chính sách trong toàn ngành. Hay lực lượng Biệt động Sài Gòn vang danh, giờ đây vẫn còn tồn khoảng 200 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và hàng chục hồ sơ công nhận thương binh… 

Hiện nay, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều ở độ tuổi “như chuối chín cây”. Những người đã vào sinh ra tử, bị địch bắt tù đày tra tấn, giờ cũng ở tuổi cao sức yếu mà “tốc độ qua đời đang nhanh hơn tốc độ làm hồ sơ để hưởng chính sách”. Liệu thế hệ sau còn bao nhiêu cơ hội để phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn bao nhiêu cơ hội để đáp nghĩa đền ơn với người có công? Chỉ điểm qua như vậy cho thấy, còn rất nhiều phần việc cần hoàn thành khẩn trương hơn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. 

Tin cùng chuyên mục