Từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 08/2008, quy định quy chế quản lý sử dụng chung cư, theo đó, 12 tháng sau khi đưa vào sử dụng chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quyền quản lý cho ban quản trị chung cư. Thế nhưng, tại TPHCM, vì quyền lợi riêng, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình trì hoãn bàn giao quyền quản lý chung cư.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Theo Quyết định 08/2008, ban quản trị (BQT) chung cư do cư dân bầu ra, để thay mặt cư dân tổ chức điều hành và thuê mới các đơn vị dịch vụ phục vụ cho cư dân. Các cư dân thông qua BQT để lựa chọn, đưa ra phương án quản lý, mức phí dịch vụ phù hợp với điều kiện, túi tiền chung của người dân trong chung cư. Quy định đã có nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư tìm mọi cách để không hợp tác, thậm chí không bàn giao quyền quản lý chung cư cho BQT.
Chung cư Tam Phú ở đường Cây Keo (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) do Công ty cổ phần Dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh làm chủ đầu tư. Khu chung cư này có gần 500 căn hộ và đã đưa vào sử dụng 4 năm nay. Vậy nhưng, chủ đầu tư vẫn ôm toàn bộ mọi dịch vụ, từ bảo vệ, giữ xe, thu gom rác và tự đặt ra mức thu phí đối với cư dân. Công ty không xúc tiến việc chuyển quyền quản lý chung cư cho cư dân theo quy định. Để bảo vệ quyền lợi của mình, giữa tháng 9-2013, cư dân chung cư tiến hành hội nghị trù bị, lập ban đại diện lâm thời để tiến tới đại hội thành lập BQT theo quy định. Ông Trần Văn Thường, Phó ban đại diện lâm thời, cho biết khi ban đã định ngày đại hội, ngày 16-9-2013, Công ty TNHH Dịch vụ - Quản lý bất động sản Việt Nam - đơn vị được chủ đầu tư thuê làm dịch vụ quản lý chung cư này - cũng ban hành văn bản số 09/TB-2013, thông báo họp bầu BQT. Đây là kiểu cạnh tranh không lành mạnh, nhằm gây khó cho người dân, để kéo dài việc bàn giao quyền quản lý chung cư cho cư dân. Việc một công ty được chủ đầu tư thuê làm dịch vụ nhưng lại đứng ra tổ chức đại hội bầu BQT là trái quy định, khiến người dân không biết tin vào ban đại diện lâm thời hay vào công ty làm dịch vụ.
Còn tại chung cư 4S do Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc đầu tư (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), BQT đã được UBND quận Thủ Đức ký quyết định công nhận từ giữa năm 2011. Thế nhưng, chủ đầu tư lại không chịu bàn giao quyền quản lý chung cư, vẫn tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ và thu tiền của người dân. Ông Đỗ Quốc Thắng, Chủ nhiệm BQT chung cư 4S, cho biết: “Nhiệm kỳ BQT đã gần hết nhưng chủ đầu tư vẫn tìm cách trì hoãn không bàn giao quyền quản lý chung cư. Trong tháng 7 và 8-2013, Sở Xây dựng và Sở TN-MT TPHCM đã làm việc, ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư chuyển giao quyền quản lý chung cư cho BQT, nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Có thể khởi kiện ở tòa án
Vì sao nhiều chủ đầu tư tìm cách trì hoãn, cố ý không thực hiện Quyết định 08 về việc bàn giao quyền quản lý chung cư cho BQT? Lý do dễ hiểu, ngoài khoản thu từ phí quản lý, dịch vụ trong chung cư, khi chưa bàn giao quyền quản lý chung cư thì chủ đầu tư còn sử dụng quỹ bảo trì chung cư mà không chịu sự kiểm soát của cư dân. Cứ trì hoãn thêm một ngày quản lý chung cư là chủ đầu tư có thêm tiền, còn người dân phải gánh mọi thiệt thòi. Cư dân ở chung cư Tam Phú bức xúc: “Theo quy định, quỹ bảo trì chiếm 2% giá trị căn hộ. Hiện chủ đầu tư đang quản lý khoảng 10 tỷ đồng của cư dân, nhưng chi không minh bạch. Đội ngũ dịch vụ quản lý hiện nay quá thiếu kinh nghiệm. Hệ thống thang máy, phòng cháy chữa cháy liên tục gặp sự cố, cực kỳ nguy hiểm”.
Cư dân ở chung cư 4S cho biết, tuy BQT đã được thành lập nhưng mọi khoản phí, mức phí đều do chủ đầu tư quyết định. Cư dân nhiều lần có ý kiến với BQT về việc tiền đóng góp nhiều, mà chất lượng dịch vụ không đạt yêu cầu. Chủ nhiệm Đỗ Quốc Thắng cho biết thêm: “Điều bất hợp lý khi các khu chức năng dành cho công cộng đều sử dụng không đúng mục đích, chủ yếu cho thuê để thu tiền. Do BQT chưa nắm quyền quản lý nên cư dân không có quyền quyết định mức đóng cũng như lựa chọn đơn vị làm dịch vụ”.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Trưởng Văn phòng luật Nguyên Giáp (Đoàn Luật sư TPHCM), tranh chấp quyền quản lý chung cư là vấn đề nóng ở các đô thị hiện nay. Quyết định 08 là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người dân do BQT đại diện. Thực tế, BQT đều do UBND quận, huyện ban hành quyết định công nhận, nhưng quận huyện chưa tích cực đôn đốc thực hiện quyết định này. Vì thế, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, BQT cần yêu cầu cơ quan tòa án giải quyết, buộc chủ đầu tư phải bàn giao, trả lại quyền quản lý chung cư cho người dân theo đúng quy định.
NGUYỄN HIỀN