Tri Thức ra biển

Thành công từ đánh bắt xa bờ
Tri Thức ra biển

Kinh qua kháng chiến chống Mỹ, tiếp tục chiến đấu tại chiến trường K (Campuchia) rồi phục viên về quê sau ngày hòa bình, năm 1997, chương trình đánh bắt xa bờ ra đời, được vay vốn đóng tàu công suất lớn ra khơi, từ con tàu đầu tiên, nhờ biết vận dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật, ông nhanh chóng giàu lên trông thấy. Không những trả hết nợ, làm nhà to, còn đóng thêm hai tàu cá nữa. Nhẩm tính sơ tích cóp tài sản hiện giờ cả chục tỷ đồng, 22 lao động làm việc cho ông có thu nhập ổn định… Nghiệp biển và sự mày mò tự học hỏi, như vô tình gắn với cái tên do cha mẹ đặt cho ông - Phạm Tri Thức – ngư dân xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Ngư dân Phạm Tri Thức và đội tàu 3 chiếc của gia đình ông.

Ngư dân Phạm Tri Thức và đội tàu 3 chiếc của gia đình ông.

Thành công từ đánh bắt xa bờ

Mở đầu câu chuyện, ông thừa nhận mình là ngư dân ham làm, chịu khó, chịu sóng mới trả được nợ và làm ăn có lãi. Nhưng rồi ông lại bảo, chịu khó thôi chưa đủ, đánh cá cũng phải có phương pháp, phải biết quản lý lao động, tổ chức khai thác trên biển và nhất là ý thức trả nợ. Có tiền trả nợ ngay chứ không đợi tới hạn mới trả. Nói rồi, gác lại những thành công hiện tại, ông quay về với những ngày đầu khi mới tập tành đi biển!

Năm 1974 ông thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ khi mới 15 tuổi, làm thông tin liên lạc tại huyện đội Đông Sơn tỉnh Nghĩa Bình (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ngày nay). Đất nước giải phóng, ông lại xung quân vào mặt trận 579 (K), tham gia chiến đấu cùng đồng đội trong những trận đánh sinh tử.

Những ngày đầu xuất ngũ xin việc làm vô cùng khó, vậy là đi biển, đi bạn cho các ghe tàu để kiếm kế mưu sinh qua ngày. Năm 1990, tích cóp vốn liếng, hùn với bạn đóng tàu, đồng làm chủ. Thời đó, thủy hải sản còn dồi dào, ra khơi là trúng nên ăn nên làm ra. Năm 1997, Nhà nước có chương trình đánh bắt xa bờ, ông như cá gặp nước. Hơn 30 ngư dân của Quảng Ngãi được xét đơn cho vay vốn, trong đó có ông. Mừng quýnh vì vay được vốn, nhưng lại cũng gánh trên vai gánh nặng nợ nần.

Hai năm sau (năm 1999), con tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất xã Tịnh Kỳ trị giá hơn 1 tỷ đồng, số hiệu QNg 9134 lừng lững hạ thủy, nhằm hướng Hoàng Sa - Trường Sa trực chỉ. Niềm vui xen lẫn những lo âu, hồi hộp cho chuyến biển đầu tiên trên chính con tàu do mình làm chủ cứ dập dềnh theo sóng đi tìm luồng cá. Tàu ra Hoàng Sa mất gần một tuần lênh đênh nhưng chẳng thấy cá đâu. “Chuyến đầu mà lỗ thì mất khí thế, mất mặt với bạn tàu” – ông lo lắng! Bất ngờ máy dò báo gặp luồng cá. Neo được thả, tay lưới sẵn sàng… Mẻ đầu tiên, cá nặng lưới, nhảy như sao sa, hơn 10 tấn cá, ai nấy mừng ra mặt. Theo kinh nghiệm của ông, đã gặp luồng cá thứ nhất thì ắt sẽ gặp luồng thứ 2. Dự cảm của ông đã đúng, hai ngày sau, mẻ cá khổng lồ hơn 15 tấn đã khiến các khoang tàu đầy ắp. “Chuyến đó, trừ các phí tổn, lời hơn 500 triệu đồng, bạn tàu mỗi người được chia 30 - 40 triệu đồng, ai cũng phấn khởi” - ông Thức nhớ lại.

Làm ăn có lời, năm 2002, tàu thứ 2 số hiệu QNg 91863, công suất 275CV, trị giá 1,2 tỷ đồng do ông làm chủ tiếp tục được xuất xưởng rồi đến tàu thứ 3 QNg 11864 (500 triệu đồng) tiếp tục nhập vào đội tàu đánh bắt 3 chiếc của ông. Không cho tàu nghỉ ngơi, 3 chiếc luân phiên nhau, tàu lớn nhất làm nhiệm vụ đánh bắt, 2 chiếc còn lại thay phiên nhau đem sản phẩm vào đất liền và tiếp nhiên liệu, lương thực để có thể đánh bắt dài ngày trên biển. Nhờ vậy, dù giá nhiên liệu tăng, ngư trường không ổn định, thủy hải sản không dồi dào nhưng sản lượng đánh bắt hàng năm vẫn đạt 150 - 170 tấn, tổng thu nhập từ ba chiếc tàu của ông vẫn duy trì 2,5 - 3 tỷ đồng/năm!

Đem tri thức ra biển

Năm 2005, ông trả hết nợ vay, xây được căn nhà khang trang gần 1 tỷ đồng. “Ngành gì cũng vậy, phải biết quản lý và sử dụng lao động mới thành công” - ông nói chắc nịch. Lao động là những ngư dân đi với ông thông thạo về biển, nhanh nhạy nắm bắt thông tin từ đất liền đến ngoài khơi, tàu lại được trang bị đầy đủ thiết bị nên mạnh dạn bám biển dài ngày. Bình thường các tàu khác đi 10 - 25 ngày là vào đất liền, tổn phí cao, riêng ông đi 2 - 3 tháng mới về bờ. “Phải quan sát vùng nước sâu, nắm bắt được chu kỳ phát triển của hải sản. Nếu tháng 5 năm nay cá nục về vị trí này, dù có đi đâu thì một năm sau rồi lại cũng sẽ quay về để sinh sản. Khi thủy triều lên cá thu nổi, thì năm sau cá cũng sẽ nổi… Đó là nắm bắt được yếu tố sinh sản và luồng di cư của cá. Mà khi đã sinh sản, cá nhất định sẽ ở vài ngày, một tuần, chứ không thể bơi đi ngay được” - ông nói rành rẽ như một chuyên gia nghiên cứu về thủy hải sản.

Kinh nghiệm với ông như thế cũng chưa đủ mà phải luôn cập nhật kiến thức về các thiết bị. Với máy dò, mỗi khi phát hiện luồng cá, vây giàn lưới xong là ông có thể biết ngay dưới đó sản lượng bao nhiêu, chính xác có bao nhiêu tấn. “Điều này, với các kỹ sư ngành thủy sản chưa chắc làm được” - ông Thức nói.

Ông được tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND huyện Sơn Tịnh nhiệm kỳ 2011 - 2016. Mỗi khi đến kỳ họp HĐND huyện, dù đang đánh bắt ở khu vực nào, khi nghe Ban tổ chức thông báo, ông liền sắp xếp người quản lý thay ông chỉ huy các con tàu để trở về đất liền tham dự. Là người có kinh nghiệm thực tế đánh bắt, lại thường xuyên hiện diện trên các vùng biển xa, những kiến thức thực tiễn đó đã giúp ông trả lời những trăn trở của các cử tri - ngư dân. Ông cũng thông báo kịp thời tình hình an ninh trên biển để ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt và đề xuất cho các ngư dân được hỗ trợ vay vốn đóng tàu mới.

“Mạnh dạn vay vốn, nhưng phải biết quản lý vốn, quản lý lao động và áp dụng những kỹ thuật mới, phối hợp với kinh nghiệm đánh bắt truyền thống mới có hiệu quả. Ngư trường có hạn, thủy sản ít đi thì phải may lưới dài ra để đánh được nhiều sản phẩm hơn”- ông ví dụ cụ thể.

Hai lần ông Phạm Tri Thức được nhận Cúp Vàng thủy sản Việt Nam. Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo Việt Nam”. Tháng 6-2012, ông cũng là ngư dân duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2013 “Nông dân tiêu biểu” trong chương trình tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục