Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị triển khai 2 gói tín dụng lớn hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ và cho vay tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Trao đổi về nội dung các gói tín dụng mới này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết:
>> Trong các ngành kinh tế hiện nay, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chỉ vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Từ năm 2010 - 2013 sản lượng thủy sản tăng bình quân 4%/năm, trong đó năm 2013, sản lượng đạt gần 6 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD. Từ những thực tế trên chúng tôi nhận thấy tuy không có nhiều đột biến, song đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn và có rất nhiều tiềm năng nhưng chính sách cho khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ đánh bắt xa bờ còn nhiều hạn chế. Đó là nguồn lực hỗ trợ ngư dân vẫn chủ yếu đến từ ngân sách, huy động vốn từ ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ lại tản mạn, việc lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nếu có vướng mắc, sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung. Đồng thời, nghiên cứu các yếu tố đặc thù của địa phương để hỗ trợ tín dụng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để thúc đẩy đánh bắt xa bờ. Chẳng hạn như chương trình xây dựng cảng neo đậu tránh bão cho ngư dân và chương trình xây dựng cảng cá nên lồng ghép. Đặc biệt, phần vốn tín dụng, NHNN sẽ có các giải pháp tháo gỡ để ngư dân tiếp cận được các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi …
- Phóng viên: Các ưu đãi cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH: Giống như gói tín dụng tam nông, nguồn vốn của gói tín dụng này sẽ dành cho DN trong ngành thủy sản, các ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển. Hiện nay NHNN đang thiết kế gói tín dụng trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng cho chương trình này. Việc đầu tư tín dụng được xác định theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ khâu khai thác, nuôi trồng đến khâu chế biến, tiêu thụ, bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg.
Gói tín dụng trên sẽ được NHNN và các ngân hàng thương mại xem xét áp mức lãi suất ưu đãi 5%/năm với thời hạn cho vay tối đa có thể lên tới 10 - 15 năm. NHNN cũng xây dựng gói tín dụng quy mô tới 12.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho cây cà phê ở vùng Tây Nguyên, NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng và phê duyệt đề án quy hoạch tái canh cà phê, làm cơ sở để ngân hàng cho vay, dự kiến sẽ áp lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc giải ngân đang gặp một số vướng mắc, NHNN sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc xây dựng và phê duyệt đề án quy hoạch tái canh để cây cà phê ở Tây Nguyên tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
- Những năm qua, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã được đầu tư rất mạnh, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Vậy các gói tín dụng này sẽ được triển khai ra sao để có được kết quả tốt nhất?
Hiện nay, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm. Vấn đề là làm sao để khu vực nông nghiệp, ngành thủy hải sản, hấp thụ được vốn khi các ngân hàng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, ngư dân của ta sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết. Cà phê, cao su, hồ tiêu… có dấu hiệu tốt thì đổ xô vào làm, không có qui hoạch, dẫn tới vỡ nợ không trả được nợ. Do vậy, để có chính sách tín dụng hiệu quả thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp ngân hàng vẫn có thể cho vay để phục vụ cho sản xuất.
Trên cơ sở thanh khoản được cải thiện, mặt bằng lãi suất ổn định và có chiều hướng giảm, để hỗ trợ sự phát triển ngành thủy sản, cây cà phê, NHNN dự kiến dành ra một khoản tiền nhất định hướng vào các mục tiêu: phát triển theo chu trình khép kín. Theo hướng này, một quy trình cho vay khép kín đối với DN đứng đầu chuỗi sẽ ra đời nhằm từng bước thay thế kiểu cho vay rải rác như trước. Nhờ đó, sẽ khắc phục tình trạng ngân hàng này cho vay sản xuất, ngân hàng kia cho vay chế biến, xuất khẩu, chỉ cần một khoản vay ở khâu này rủi ro là kéo theo rủi ro ở các khoản cho vay khác.
- Xin cảm ơn ông!
HÀM YÊN ghi