Triển khai dự án Cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2: Làm sạch tận gốc… nước thải

 Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 đang được khẩn trương triển khai. Chính phủ đã phê duyệt đề cương chi tiết và báo cáo khả thi của dự án cũng vừa được UBND TPHCM chấp thuận… Một trong những hạng mục quan trọng nhất của công trình này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn lưu vực.
Triển khai dự án Cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2: Làm sạch tận gốc… nước thải

 Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 đang được khẩn trương triển khai. Chính phủ đã phê duyệt đề cương chi tiết và báo cáo khả thi của dự án cũng vừa được UBND TPHCM chấp thuận… Một trong những hạng mục quan trọng nhất của công trình này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn lưu vực.

Nước thải đã được xử lý

Theo ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giai đoạn 1 của dự án này vừa hoàn thành, mới dừng ở việc xây dựng bờ bao, nạo vét kênh, làm các tuyến cống thu gom nước thải… Công tác quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môi trường nước trong khu vực: xử lý nước thải chưa được triển khai. Nước thải sau khi được thu gom vẫn… đổ thẳng ra sông Sài Gòn. Để chất lượng môi trường nước trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè thật sự sạch, TPHCM đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) - tổ chức tài chính đã cho thành phố vay 200 triệu USD thực hiện dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, tiếp tục cho thành phố vay 450 triệu USD triển khai giai đoạn 2 của dự án. Giai đoạn 2 có ba hạng mục xây dựng quan trọng và một trong đó là hạng mục xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà máy đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, có công suất xử lý nước thải tới 480.000m3/ngày, đêm. Khi nhà máy hoàn thành, nước thải thu gom trong toàn lưu vực sẽ được đưa về đây xử lý thay vì đổ ra sông Sài Gòn như hiện nay.

Hai hạng mục quan trọng khác của dự án là xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2m, dài 8km dẫn nước thải về nhà máy và xây dựng khoảng 50km đường cống thu gom nước thải cho quận 2. Ông Phan Châu Thuận cho hay, hạng mục quan trọng nhất: nhà máy xử lý nước thải đã chọn đơn vị tư vấn CEM - một doanh nghiệp tư vấn đến từ Đức. Đây là đơn vị tư vấn sẽ giúp ban quản lý dự án nghiên cứu và đưa ra các tiêu chí đấu thầu. Trên cơ sở các tiêu chí chọn thầu, công tác đấu thầu mới được triển khai nhằm chọn ra nhà thầu xây dựng nhà máy tốt nhất. Hạng mục xây dựng tuyến cống bao cũng đã chọn tư vấn CDM của Mỹ giúp thực hiện công tác thiết kế và chọn thầu. Riêng hạng mục thứ ba, công tác chọn thầu lùi lại một bước vì mức độ quan trọng của hạng mục này sau một bậc so với hai hạng mục trên.

Triển khai dự án Cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2: Làm sạch tận gốc… nước thải ảnh 1

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè càng xanh, sạch đẹp hơn nữa khi giai đoạn 2 dự án cải tạo dòng kênh hoàn thành. Ảnh: CAO THĂNG

Có thi công dây dưa?

Một câu hỏi lớn đối với ông Trần Đình Hòa, một người dân cư ngụ tại quận 3 cũng như nhiều người dân TPHCM khác, việc thi công dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 có dây dưa và ảnh hưởng lớn đến giao thông như giai đoạn 1? Ông Phan Châu Thuận khẳng định, 8km đường cống dẫn nước thải về nhà máy sẽ được xây dựng bằng phương thức “kích ngầm”, dùng đầu kích đào ngầm nên cơ bản sẽ không phải đào đường thi công lắp đặt cống nhiều như giai đoạn 1. Với 50km đường cống thu gom nước thải cho quận 2, đây chủ yếu là những tuyến cống nhỏ, đường kích 400cm - 600cm, phần lớn lại nằm trên các vỉa hè nên việc thi công sẽ không ảnh hưởng nhiều tới giao thông. Hơn nữa, mật độ đi lại ở quận 2 không quá dày đặc nên việc đào đường sẽ không tạo nhiều áp lực cho hoạt động giao thông như giai đoạn 1. 

 Ông Phan Châu Thuận nhấn mạnh đến một lý do khác: “Thủ tục hành chính trong giai đoạn 2 đã được rút ngắn hơn giai đoạn 1 rất nhiều. Và đây sẽ là cơ sở quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”. Nếu như trong giai đoạn 1, việc phê duyệt từng gói thầu phải trình Thủ tướng chấp thuận thì trong giai đoạn 2, công việc này được giao cho chủ đầu tư. Ngoài ra, nhiều quy định trong pháp luật của Việt Nam về đầu tư cũng như nhiều quy định trong thực hiện dự án của WB đã được điều chỉnh “gần” nhau hơn. Việc này cũng giúp cho cả hai bên nhanh chóng tìm ra “tiếng nói chung” trong các vấn đề cần chung tay giải quyết thay vì phải mất nhiều thời gian bàn bạc như trước đây.

Công tác chọn thầu - một “điểm trừ” trong giai đoạn 1 sẽ được khắc phục trong giai đoạn 2. Nhà thầu trong giai đoạn 1 được chọn ra từ đấu thầu quốc tế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đơn vị này đã không dồn hết lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cho TPHCM. Sự chậm trễ của nhà thầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án, làm cho dự án “trễ hẹn” đến vài năm so với kế hoạch. Trong giai đoạn 2, ông Phan Châu Thuận cho hay, việc thi công ra sao, tập trung nhân vật lực như thế nào để đảm bảo tiến độ sẽ được cụ thể hóa trong hợp đồng; nhà thầu vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Ngoài việc rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, việc chọn thầu cho giai đoạn 2 còn rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện nhiều dự án cải thiện môi trường trước đó trên địa bàn thành phố. Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, không xử lý triệt để được mùi hôi… Bài học này đã được nghiên cứu và yêu cầu đưa ra trong việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Yêu cầu đối với nhà máy xử lý nước thải lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là phải xử lý triệt để mùi hôi, bùn thải và nước thải.

Theo ông Phan Châu Thuận, đây là yếu tố đầu tiên trong chọn thầu. Kế hoạch của ban quản lý dự án là tiến hành sơ tuyển chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật trước. Kỹ thuật đảm bảo các yếu tố về giá mới được tính đến. TPHCM dự định xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo hình thức: thiết kế - xây dựng - vận hành (DBO) với thời gian vận hành là 5 năm. Dự kiến công tác sơ tuyển sẽ được tiến hành trong tháng 6-2014. Việc sơ tuyển chọn thầu cho hạng mục xây dựng tuyến cống bao cũng được thực hiện với các công đoạn tương tự và cũng phải hoàn thành trong tháng 6-2014. Ông Phan Châu Thuận cho biết, WB yêu cầu hoàn thành các công việc nêu trên trong tháng 6-2014 và đây sẽ là điều kiện tiên quyết để WB ký hiệp định cho Việt Nam vay thực hiện dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2. WB mới chấp nhận về mặt nguyên tắc việc cho vay này. Dự kiến nếu thực hiện đúng lộ trình nêu trên, dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2018. Dự án sẽ giúp cải thiện căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước trong toàn lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

 Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1

 Lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích hơn 33km2 là nơi sinh sống của 1,2 triệu dân. Lưu vực trải dài trên địa phận của 7 quận, trong đó có các quận trung tâm thành phố như quận 1 và quận 3. Nhiều năm trước khu vực này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 1993, Sở Giao thông Vận tải TPHCM triển khai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 với số tiền là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của WB là 5.252 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 3.348 tỷ đồng và phải di dời tới 7.000 hộ dân.

Dự án được triển khai biểu hiện sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố trong việc giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại do ngập lụt trong địa bàn thành phố, cải tạo môi trường sống, nâng cao đời sống cho bà con xung quanh bờ kênh và thay đổi bộ mặt thành phố. Ngoài ý nghĩa về môi trường, cải thiện đời sống người dân, dự án công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn nâng cao năng lực giao thông, giảm bớt ùn tắc giao thông trên các tuyến đường như Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… và mang lại diện mạo mới cho thành phố.

Bên cạnh dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, TPHCM đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa tạo cảnh quan đẹp trên toàn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, thi công mở rộng mặt đường từ 7m lên 9m với tổng chiều dài 15km giúp giao thông thông thoáng.

Không ít người dân sinh sống dọc hai bờ kênh cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lại nhà cửa… Cả bộ mặt không gian trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói chung và dọc hai bờ con kênh này nói riêng đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn.

Toàn bộ dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 có 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3-2003 lắp tuyến cống bao (có đường kính 2,5 - 3m) dài 8,9km nằm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tiếp đó là 11 gói thầu đào đường lắp đặt 70km tuyến cống thoát nước các loại nhằm thu gom nước thải từ hộ dân đưa vào tuyến cống bao. Gói thầu xây dựng trạm bơm nước lớn nhất nước có công suất 64.000m3/giờ. Gói thầu số 10 có quy mô lớn nhất nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh.

(Nguồn: Sở GTVT TPHCM)

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục