Triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách

Theo Sở Công thương TPHCM, trong năm 2013 đã triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối trên địa bàn; thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại… Qua đó, đã góp phần vào tăng trưởng chung của ngành với các chỉ tiêu về công nghiệp - thương mại, tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ.

Qua tổng kết các chỉ số tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp - thương mại năm 2013 cũng cho thấy, trong tình hình khó khăn chung, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp TP đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ hàng hóa thông qua nhiều hình thức như khuyến mại, giảm giá... Doanh thu thương mại - dịch vụ phát triển ổn định đã góp phần duy trì phát triển của các ngành khác, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích thích sản xuất trong nước. Giá trị gia tăng ngành thương mại, dịch vụ cao hơn các ngành, lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được giữ vững mức tăng vừa phải, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP, đồng thời luôn thể hiện sự năng động của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân TP thông qua việc so sánh mức tăng giá chung của TP với các địa phương khác trong cả nước. Với việc tiếp tục sử dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được, nên kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao hơn nhập khẩu, góp phần cùng cả nước cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán; ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Kinh tế TP giữ tốc độ tăng trưởng hợp lý; tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung của địa bàn có tăng so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp đã bắt đầu hồi phục, quy mô sản xuất được mở rộng. Các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tốt, mang lại hiệu quả tích cực, là cầu nối trực tiếp quan trọng đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng trên địa bàn TP.

Thông qua chương trình bình ổn, các doanh nghiệp ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc dự trữ nguồn hàng, là cơ sở để các doanh nghiệp chủ lực của TP có đủ sức chiếm lĩnh thị trường về số lượng, chất lượng lẫn giá cả hàng hóa, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm hàng Việt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp TP đã dần tiếp cận và nắm bắt nhu cầu thị trường theo từng nhóm dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa và triển khai vận chuyển hàng hóa, mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Mô hình phân phối hàng Việt đã được triển khai hiệu quả và có tính khả thi cao, đơn cử như đưa hàng Việt về nông thôn, đội xe lưu động bán hàng Việt, điểm bán hàng Việt tại chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng, tự hào là đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2014, TPHCM tiếp tục triển khai hàng loạt các biện pháp cấp bách. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, triển khai các giải pháp hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng trong nước sản xuất được. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, song song với công tác xúc tiến thương mại nội địa, phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt; xây dựng và triển khai có hiệu quả các Chương trình bình ổn thị trường. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục