Triển lãm Điểm đến (*) - Những tâm hồn đồng điệu

Lần đầu tiên, các họa sĩ, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có một triển lãm quy mô, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tại TPHCM. Các nghệ sĩ với những sáng tạo của mình đã thực sự tạo nên một điểm đến để gặp gỡ, giao lưu với công chúng, một điểm đến để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm giữa thầy và trò...

Lần đầu tiên, các họa sĩ, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có một triển lãm quy mô, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tại TPHCM. Các nghệ sĩ với những sáng tạo của mình đã thực sự tạo nên một điểm đến để gặp gỡ, giao lưu với công chúng, một điểm đến để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm giữa thầy và trò...

        Điểm đến của tình yêu nghệ thuật

Hơn 90 tác phẩm của 9 tác giả với nhiều ngôn ngữ, thể loại khác nhau như tranh gốm mỹ thuật, tranh sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, màu nước, nghệ thuật sắp đặt (gốm, kim loại…), đã cho thấy ngôn ngữ đa dạng, giàu chất sáng tạo mà ở đó mỗi tác giả thể hiện một phong cách và sở trường riêng. Nguyễn Đức Sơn và Phạm Văn Út mang đến các tác phẩm digital art khá ấn tượng, thể hiện mới mẻ những đề tài tưởng đã quá quen thuộc.

Cùng đề tài về đồng bào các dân tộc thiểu số, họa sĩ Cao Ban Ban giới thiệu một loạt tác phẩm, từ phong cảnh, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Đó là những ruộng bậc thang xanh ngun ngút, mênh mang trong nắng, là con dốc, con suối thân quen, là đường về bản đẹp huyền hoặc trong nắng chiều… Mảng đề tài lịch sử cũng được anh khai thác sắc nét qua hai tác phẩm Tuyên ngôn lịch sử và Trong lòng đất. Ở một góc khác, hai họa sĩ Nguyễn Trọng Lộc và Trần Chí Lý mang đến cho người xem những cảm giác thú vị khi chọn thể hiện bằng chất liệu gốm truyền thống. “Dưới chân ta là đất mẹ thiêng liêng, là lịch sử hàng ngàn năm tích tụ, là bao xương máu của các thế hệ tổ tiên đã đổ xuống để hôm nay chúng ta có tổ quốc giàu đẹp, có cuộc sống thanh bình. Tôi chỉ muốn nhắc rằng, trên mỗi bước đi chúng ta hãy sống sao cho thật trọn vẹn, xứng đáng với những truyền thống hào hùng ấy”, nói về loạt tác phẩm Dưới bàn chân tôi và Dưới lòng đất, họa sĩ Nguyễn Trọng Lộc chia sẻ. Ngoài tác phẩm sắp đặt chất liệu gốm đất nung, tác giả Trần Chí Lý còn giới thiệu trên 10 tác phẩm tranh vẽ trên giấy dó truyền thống.

        Mai một nghề gốm truyền thống

Hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (1903 - 2013), một trong những trung tâm đào tạo mỹ thuật lâu đời nhất của cả nước, lần đầu tiên các họa sĩ, giảng viên của trường tổ chức triển lãm quy mô các tác phẩm của mình. Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, gợi ý: “Bảo tàng Mỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc quảng bá, giao lưu, giới thiệu tác phẩm với công chúng TPHCM. Nên chăng chúng ta tổ chức những trại sáng tác và định kỳ mỗi năm sẽ có những triển lãm Điểm đến 2, Điểm đến 3. Được như thế sẽ góp phần tạo động lực cho các nghệ sĩ trẻ trải nghiệm và sáng tạo”. Họa sĩ, NGND Huỳnh Văn Mười, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, đặt vấn đề: “Trong hoạt động mỹ thuật khu vực VII, Bình Dương và Đồng Nai là hai đơn vị phát triển mạnh, trong đó Bình Dương lợi thế về sơn mài, còn Đồng Nai mạnh về gốm. Với vai trò là một trong những cái nôi đào tạo mỹ thuật đầu tiên trong cả nước, trong tương lai, làm sao các bạn phải có kế hoạch khôi phục nghề làm gốm truyền thống của mình”.

Như khơi đúng nỗi niềm, họa sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, bày tỏ: “Đây cũng là điều mà nhà trường đang trăn trở. Thực tế là từ nhiều năm nay, ngành gốm truyền thống đang dần mai một, ngày càng ít học sinh theo học, có khóa còn không có học sinh. Muốn theo đuổi gốm truyền thống phải rất kiên trì, tốn kém và phải thật sự đam mê, trong khi các em lại có xu hướng chọn các ngành như trang trí, hội họa, nội thất để dễ tìm việc làm khi ra trường và gần với đời sống hơn”. Ông Nguyễn Đức Sơn cho biết thêm: “Nhà trường cũng có kế hoạch kết hợp giữa đào tạo với du lịch, đưa du khách tham quan giới thiệu sản phẩm, quà lưu niệm cũng như tìm hiểu các công đoạn làm gốm truyền thống... qua đó khơi dậy tình yêu với gốm. Trong nhiều lần làm việc, kế hoạch của nhà trường cũng được UBND tỉnh ghi nhận, tuy nhiên đến giờ chúng tôi chưa nghe thông tin gì mới về việc này”.

Chỉ mảnh gốm thô trong tác phẩm Dưới lòng đất, họa sĩ Nguyễn Trọng Lộc cho biết, loại gốm này muốn có màu men xanh đồng truyền thống thì phải nung đến 1.2000C. Nếu được nung bằng củi theo cách truyền thống rất tốn kém lại khó về nguồn nhiên liệu, còn nung bằng gas thì màu men lên thường không được như ý. “Vì thế, chỉ có những người thật sự đam mê mới có thể theo đuổi gốm truyền thống”, anh Lộc tâm tư.

(*) Đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, số 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục