Triển lãm võ thuật: Cầu nối Đông và Tây

Tại Bảo tàng Quai Branly ở thủ đô Paris (Pháp) đang diễn ra triển lãm lớn về võ thuật châu Á (kết thúc vào ngày 16-1-2022). Những ai yêu thích, muốn tìm hiểu về võ thuật chắc hẳn sẽ hài lòng với hơn 400 hiện vật và tác phẩm đủ loại được trưng bày tại triển lãm này.
Một góc trưng bày hiện vật của triển lãm “Trận đấu cuối cùng - Võ thuật châu Á”
Một góc trưng bày hiện vật của triển lãm “Trận đấu cuối cùng - Võ thuật châu Á”

Triển lãm mang tên “Trận đấu cuối cùng - Võ thuật châu Á”, được tổ chức nhờ sự hợp tác của nhiều cơ sở văn hóa. 2 bảo tàng châu Á là Guimet và Cernuschi ở Paris đã mang đến các pho tượng cổ. Bảo tàng Rietberg tại Zurich (Thụy Sĩ) đưa đến triển lãm các bức điêu khắc. Ngoài ra, còn có những bộ áo giáp samurai thời Edo Nhật Bản, bộ tranh đầu thế kỷ 18 phác họa các môn võ ở Trung Hoa… Các hiện vật liên quan đến Lý Tiểu Long đều đến từ phía gia đình của thần tượng võ thuật quá cố và Quỹ Di sản Lý Tiểu Long.

Dựa vào bí quyết sáng tạo của truyện manga, người đứng đầu ban tổ chức triển lãm Julien Rousseau đã cùng chuyên gia điện ảnh châu Á, Stephane du Mesnildot thiết kế một cuộc triển lãm hấp dẫn, dùng video và phim ảnh để minh họa các tác phẩm trưng bày, đồng thời mở rộng tầm nhìn cho khách tham quan, tạo cầu nối giữa Đông và Tây, giữa xưa và nay. Phim ảnh là cách hữu hiệu để dẫn dắt người xem vào thế giới võ thuật, phản chiếu các di sản văn hóa, lịch sử cả ngàn năm tuổi với nhiều biểu tượng của dòng văn hóa đại chúng hiện thời. 

Triển lãm dành một vị trí trang trọng cho 2 bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata, với nhiều anh hùng như chiến binh thần thoại Vajrapani, lực sĩ khổng lồ Bhima. Các pho tượng cổ có từ trước Công nguyên được khai quật ở vùng Gandhara (Pakistan hiện tại), nghệ thuật múa rối, trang phục biểu diễn hay mặt nạ sân khấu tạo ra nền tảng cho các điệu múa võ của Ấn Độ, trong bộ môn yuddha kala, kể cả tác chiến với vũ khí hay bằng tay không…

Quan trọng không kém là pho tượng bằng sứ có từ thế kỷ 17 tạc hình Đức Bồ đề Đạt Ma, vị cao tăng được cho là đã thành lập môn phái Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào đầu thế kỷ thứ 6. Theo truyền thuyết, Bồ đề Đạt Ma đã đến chùa Thiếu Lâm để truyền bá Phật pháp cho người Trung Quốc, ngồi thiền định quay mặt vào vách núi trong 9 năm liền. Vì vậy, vị cao tăng này được xem là tổ tông của Phật giáo Thiền Tông, đồng thời là sư tổ của môn phái Thiếu Lâm Tự.  Những giai thoại ấy tất nhiên thấm nhuần vào các hiện vật được trưng bày và càng trở nên rõ nét thông qua các bộ phim của 2 nền điện ảnh Trung Quốc và Nhật Bản.

Từ cuối thập niên 1950, điện ảnh Hồng Kông tỏa sáng và ngự trị trên đỉnh cao chủ yếu nhờ Hãng phim Shaw Brothers. Kể từ những năm 1964-1965 trở đi, Shaw Brothers lao vào việc sản xuất đại trà phim võ thuật và phim kiếm hiệp để rồi tạo ra một trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất làng nghệ thuật thứ 7 trong thế kỷ 20. 

Triển lãm dành một vị trí quan trọng hơn cho Lý Tiểu Long so với các diễn viên khác, chủ yếu cũng vì tên tuổi Lý Tiểu Long đã đi vào huyền thoại, trở thành một biểu tượng của dòng văn hóa đại chúng. Bộ đồ thể thao màu vàng, côn nhị khúc, mặt nạ Kato, chỉ cần nhìn qua các biểu tượng này, công chúng liên tưởng đến ngay gương mặt châu Á nổi tiếng nhất thế giới. Nhờ tinh thông võ thuật, Lý Tiểu Long đã lập ra môn võ Triệt quyền đạo - chặn đòn của đối phương để rồi phản công thần tốc. Các đạo diễn sau này từ Tarantino đến RZA đều đề cao Lý Tiểu Long trong các tác phẩm của họ. Ban tổ chức cũng đã tái tạo cảnh phòng gương y như trong bộ phim Long tranh hổ đấu, còn các phim khác như Mãnh long quá giang, Tinh võ môn, Trò chơi tử thần được phản ánh qua áp phích, ảnh chụp hay trích đoạn video…

Tin cùng chuyên mục