Năng lượng sạch lên ngôi
Qua khảo sát, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng, tại các vùng ven biển ở Sóc Trăng, việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi. Cuối tháng 1-2018, dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khởi công xây dựng. Đó là dự án Nhà máy điện gió Công Lý (do Công ty CP Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng làm chủ đầu tư, tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu). Giai đoạn 1 có công suất 30MW, mức đầu tư trên 1.680 tỷ đồng. Còn tổng mức đầu tư dự án có công suất 98MW, nguồn vốn đầu tư trên 5.390 tỷ đồng. Đây là một “phát pháo” trong nhiều dự án được triển khai xây dựng, vì tới đây theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (do Bộ Công thương phê duyệt), trên địa bàn có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió gồm: Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900ha, công suất dự kiến 860MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/giây; vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500ha, công suất dự kiến 295MW, vận tốc gió 6m/giây; vùng 3 tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2m/giây. Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu đo đạc, số giờ nắng trong năm khá cao, dao động 2.292 - 2.488 giờ, cao nhất thường vào tháng 3 và thấp nhất thường vào tháng 9 hàng năm. Bình quân cả năm có khoảng 6,8 - 7,5 giờ/ngày. Hiện tại, thực hiện Quyết định số 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh, trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án điện sạch theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác lợi thế sẵn có, phát triển ngành năng lượng tái tạo, không chỉ đảm bảo về nguồn năng lượng sạch, mà còn mở ra cơ hội thu hút du khách.
Lợi thế phát triển cảng nước sâu
ĐBSCL là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây… dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, các mặt hàng này khi xuất đi các nước, đa số phải vận chuyển lên các cảng tại TPHCM hoặc hệ thống cảng tại các tỉnh Đông Nam bộ. Nguyên nhân, các cảng trong vùng ĐBSCL chưa đáp ứng được tàu có trọng tải lớn cập cảng. Do gạo, nông sản, thủy sản tại ĐBSCL khi xuất khẩu vận chuyển đi xa không những tốn chi phí và thời gian mà nó khiến cho tính cạnh tranh thấp. Sóc Trăng với chiều dài bờ biển 72km, có 3 cửa sông lớn giáp biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh; trong đó Định An và Trần Đề là cửa ngõ quan trọng ra vào biển Đông của các tỉnh ĐBSCL. Chính đặc điểm đó đã tạo lợi thế để Sóc Trăng phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển và logistics. Qua điều tra, khảo sát và nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia đều cho rằng vị trí xây dựng cảng nước sâu ở ĐBSCL khu vực cửa biển Trần Đề (thuộc tỉnh Sóc Trăng) được xem phù hợp nhất. Nguyên nhân do ở đây ít bị bồi lấp, không phải nạo vét nhiều.
Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư xây dựng hệ thống cảng tại Sóc Trăng. Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí đã có buổi làm việc với Tập đoàn ILDC (Pháp). Hai bên đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án đầu tư khu phức hợp cảng biển nước sâu và đô thị tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Ông Dương Hoàng Sals, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tỉnh đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực tài chính đến khảo sát, lập dự án đầu tư khai thác tiềm năng cảng biển trên địa bàn tỉnh, nhằm phát triển vùng ven biển Sóc Trăng thành khu vực năng động, một trung tâm công nghiệp, hàng hải và đô thị hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. “Chúng tôi phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành một trong các tỉnh phát triển với hệ thống cảng biển, cảng nước sâu và logistics của vùng. Lợi ích nhìn thấy rõ nhất là khi hệ thống cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu được đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng sẽ góp phần làm giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL”, ông Sals nhận định.
Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong việc chọn lựa nhà đầu tư, Sóc Trăng chú trọng phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất. Những cố gắng trong chỉ đạo, phát triển, kêu gọi và thu hút đầu tư đã giúp Sóc Trăng có sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,01% trong năm 2017.Với sức bật mới, đà tăng trưởng đang khởi sắc và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Sóc Trăng đang hy vọng phát triển toàn diện, đảm bảo yếu tố bền vững trong giai đoạn tới, trước những thách thức của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.