Chưa bao giờ, những thông tin về sai phạm ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại dồn dập như trong thời gian qua. Suốt mấy năm liền, người dân đã nếm trải tâm trạng “đau xót” sau hàng loạt kết luận thanh tra ở các tập đoàn kinh tế nhà nước vì nhìn thấy các “ông lớn” này vô tư vung vãi tiền của nhà nước. Rồi đến vụ lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM ăn lương “khủng”, trong đó có giám đốc nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm dù biết bao công nhân, người lao động còn khó khăn và các lĩnh vực công ích của TP còn bộn bề.
Mới đây nhất, cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an khi hoàn tất kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines đã chỉ ra, để tham ô được số tiền hơn 1,6 triệu USD chia chác nhau bỏ túi, Dương Chí Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Vinalines cùng nhóm thuộc cấp của mình đã bày ra những chiêu trò xảo trá trong phi vụ mua ụ nổi 83M tại Vinalines gây thiệt hại cho nhà nước đến gần 370 tỷ đồng. Hay kết luận của Thanh tra Chính phủ tại EVN cũng chỉ ra, trong nhiều sai phạm, có sai phạm ở việc lãnh đạo tập đoàn này thích xài xe sang.
Dù EVN chỉ được mua ô tô 2 cầu, giá tối đa 1,04 tỷ đồng mỗi xe, nhưng thực tế EVN đã mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng/chiếc và được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Vì vậy, dù EVN ra sức biện minh công việc của EVN cần tới những chiếc xe đó, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn nhất quán: Nói gì thì nói, sai vẫn là sai...
Đó chỉ là những vụ việc nổi cộm được dư luận đặc biệt quan tâm. Còn biết bao kết luận khác của thanh tra, của kiểm toán mà cứ mỗi lần được đưa ra, là một lần nhân dân thấy xót xa vì những đống tiền, tài sản của nhà nước - mà thực chất cũng là của nhân dân - bị thất thoát, hao hụt, bị ném xuống sông, xuống biển vô tội vạ. Tất cả những đống tài sản, tiền nhà nước đó suy cho cùng cũng chắt chiu từ từng đồng tiền thuế của nhân dân, từ khối nợ công đeo đẳng mà đến đời con cháu chúng ta còn phải trả. Không bất bình sao được, khi dân nghèo phải mặc cả từng mớ rau để giảm chi tiêu hàng ngày, còn một ông lãnh đạo tập đoàn thì mang tiền tỷ tham ô được mua nhà cho bồ nhí.
Những sai phạm tày trời chỉ được phơi ra ánh sáng khi cơ quan thanh tra, công an vào cuộc. Còn trong nội bộ đơn vị, dù với sức mạnh của hàng chục đảng viên, các tổ chức đoàn thể hiện diện đầy đủ, nhưng hiếm khi phát hiện tham ô, tham nhũng, làm trái. Chỉ đến khi sự việc đã trở nên như một thân cây bị mục ruỗng thì đã muộn, hậu quả đã thành khó lường. Từ lâu, xã hội đã chỉ ra chính việc thiếu cơ chế giám sát và tinh thần đấu tranh đã tạo cơ hội cho nhiều lãnh đạo DNNN lạm dụng quyền lực được ủy nhiệm, gây nhiều thất thoát, làm giàu bất chính. Lỗ hổng về giám sát ở các DNNN vẫn chưa được lấp đầy, dù Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều biện pháp, quy định để khắc phục.
Người dân đặt câu hỏi: Ai kiểm soát “quyền lực” của lãnh đạo DNNN phụ trách dự án hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng? Người dân cũng thắc mắc rằng, khi kết luận thanh tra đã được đưa ra, chỉ một số “vụ lớn” được chuyển cơ quan điều tra, một số cá nhân bị truy cứu pháp luật, còn lại có vẻ như vẫn thiên về truy cứu hành chính.
Tình trạng sai phạm nhưng không chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, sai nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn đã diễn ra nhiều năm nay, nhất quyết phải chấm dứt. Nếu vẫn buông lỏng quản lý, không gắn với trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sai phạm thì không chỉ cả xã hội phải gánh chịu mà còn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Vì thế, phải tạo dựng được cơ chế để cả xã hội cùng giám sát hoạt động của các tập đoàn, DNNN...; cùng với đó, nếu sai phạm nào cũng được xử lý đến nơi đến chốn như TPHCM xử lý vụ lương “khủng” thì mới diệt được lũ sâu, mọt trong xã hội.
LÂM NGUYÊN