Triệt để phòng cháy

Triệt để phòng cháy

Mấy ngày qua ở nước ta liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Đáng chú ý là hỏa hoạn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chiều hướng tăng. Điển hình là ngày 11-3, vụ cháy rụi xưởng sản xuất đệm mút tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, làm 7 người thiệt mạng.

Tại TPHCM, từ đầu năm đến nay cũng đã có hàng chục vụ cháy tại các cơ sở doanh nghiệp (DN): ngày 4-3 cháy cơ sở dịch vụ karaoke Hồng Thúy ở phường 3, quận Tân Bình; ngày 27-2 cháy tại Công ty TNHH Scansia Pacific, Khu công nghiệp Tân Tạo; ngày 19-2, cháy kho hàng Công ty cổ phần Vật tư bưu điện ở quận 10…

Hệ thống dây điện rối rắm, chằng chịt dễ gây cháy nổ. (Ảnh chụp tại chợ Thái Bình, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Hệ thống dây điện rối rắm, chằng chịt dễ gây cháy nổ. (Ảnh chụp tại chợ Thái Bình, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Vì sao có nhiều vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh? Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn trước hết là do lãnh đạo các DN (nhất là DN nhỏ của tư nhân) rất chủ quan, lơ là việc phòng cháy. Nhiều DN chỉ quan tâm đến sản xuất, bán hàng mà ít nhắc nhở nhân viên chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ; để hệ thống điện chằng chịt, xuống cấp (30% số vụ cháy có nguyên nhân do chập điện); nhân viên quên tắt các thiết bị điện sau giờ làm việc hay tùy tiện hút thuốc lá; việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị phòng, chống cháy nổ rất hạn chế hoặc có thì cũng “làm lấy lệ” để tránh sự kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở đều tận dụng tối đa mặt bằng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh và sự chật chội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hỏa hoạn.

DN chủ quan là nguyên nhân cơ bản, song thẳng thắn đánh giá thì chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng cũng chưa sâu sát trong việc kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong phòng, chống cháy tại các cơ sở. Nếu việc này được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, ngành chức năng chủ động mở đợt cao điểm kiểm tra vào những thời gian dễ xảy ra cháy thì số vụ hỏa hoạn chắc chắn sẽ giảm.

Sau Tết Nguyên đán, các cơ sở đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong lúc thời tiết tiếp tục hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy cao. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý những cơ sở không thực hiện đúng quy định về phòng, chống cháy nổ là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nhưng trước hết người lao động và nhất là mỗi DN cần hết sức cảnh giác, luôn tính đến việc phòng “giặc hỏa”, bởi nếu hỏa hoạn xảy ra, chủ DN có thể mất tiền tỷ, thậm chí trở thành tay trắng và đời sống của hàng trăm, hàng ngàn người lao động cũng lao đao. Còn thiệt hại về người thì phải tính bằng nỗi đau.

HUY QUANG

Tin cùng chuyên mục