Triệt đường quái xế

Đua xe, câu chuyện tưởng chừng cũ rích cũ rơ từ hàng chục năm trước, lạ thay, vẫn luôn là vấn đề thời sự nhức nhối ở nhiều nơi, đặc biệt tại TPHCM - trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất nước.

Chẳng ai còn lạ gì đối tượng đua xe - các quái xế chủ yếu ở trong độ tuổi thanh thiếu niên – mà ngôn ngữ “a còng” bây giờ gọi là “teen” – những chàng trai (có khi cả cô gái) luôn “ăn sóng nói gió” và thích chứng tỏ bản lĩnh “mạnh như hổ” của mình.

Chẳng ai còn lạ gì những địa điểm đua xe – những con đường rộng, mới, thuận tiện cho những cuộc đua tốc độ.

Chẳng ai còn lạ gì hậu quả của đua xe – những cái chết không toàn thây, bất đắc kỳ tử nhưng được báo trước và kéo theo hàng loạt hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Thế nhưng đua xe vẫn cứ là câu chuyện thời sự nhức nhối, đau lòng cho cả xã hội.

Giữa lúc những bức xúc đó tiếp tục được đẩy lên những cao trào mới, thì mấy ngày qua, không chỉ nhân dân TPHCM mà cả nước đều cảm thấy “hả lòng hả dạ” khi lực lượng chức năng TPHCM đồng loạt ra quân chặn bắt hàng trăm quái xế, thu giữ hơn 500 xe đua dưới chân cầu Kinh – Thanh Đa chỉ trong mấy tiếng.

Có thể nói, việc tổ chức chặn bắt một số lượng xe đua trái phép lớn như thế ở TPHCM, đã cho thấy sự bức xúc và quyết tâm lớn của lãnh đạo và cơ quan chức năng TP trước tệ nạn nhức nhối này. Quyết tâm đó càng được thể hiện mạnh mẽ khi Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định dứt khoát trên Báo SGGP số ra ngày hôm nay: Kiên quyết tịch thu phương tiện vi phạm lần thứ 2.

Chắc chắn quyết tâm nói trên của lãnh đạo TP sẽ tạo ra chuyển biến mới tích cực trong vấn đề này.

Thế nhưng vấn đề lại tiếp tục được đặt ra là nạn đua xe sẽ bị đẩy lùi trong bao lâu? Liệu những biện pháp trực tiếp và mạnh mẽ trên có ngăn chặn triệt để được nạn đua xe?

Rõ ràng, chúng ta lại nhận ra ở đây một câu chuyện khác sâu xa hơn, mà để giải đáp được nó, phải trở lại cái gốc của vấn đề đã đề cập ở trên. Cụ thể, đua xe diễn ra chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên, vì đặc điểm của thanh thiếu niên là trẻ, mà trẻ thì sung mãn, dễ bị kích động, thích chứng tỏ bản lĩnh một cách… liều lĩnh. Dĩ nhiên không phải tất cả thanh thiếu niên đều liều lĩnh một cách “quên trời quên đất”.

Với những thanh thiếu niên từ nhỏ đã được giáo dục tốt về ý thức, được sống trong một môi trường (gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội…) có đủ điều kiện để hướng những đặc tính tưởng là tiêu cực của tuổi trẻ vào những hoạt động có ích, chắc chắn các em sẽ không ra đường tụ tập đua xe hay làm những chuyện liều lĩnh có hại.

Ở nhiều nước, để phát huy được hết khả năng cũng như hạn chế tối đa những nguy cơ tiêu cực từ con người, tạo ra một xã hội năng động nhưng trật tự, chính phủ các nước đã phải dày công nghiên cứu, nắm bắt thấu đáo đặc điểm tâm sinh lý, văn hóa của từng giới, từng đối tượng. Trên cơ sở đó, họ nghiên cứu, xây dựng những phương pháp phù hợp để chuyển hướng những hành động, suy nghĩ mang tính “điên rồ” của tuổi trẻ vào những hoạt động có ích.

Ở nước ta, nhìn lại một cách toàn diện và thẳng thắn, lâu nay dường như chúng ta mãi loay hoay trước những vấn đề tương tự. Chuyện liên quan đến môi trường giáo dục, vui chơi giải trí, định hướng lối sống… cho người dân nói chung, cho giới trẻ nói riêng ở TPHCM cũng như cả nước, luôn bị than phiền là… thiếu căn cơ – thiếu căn cơ từ tư duy đến thực tiễn; từ quy hoạch, kế hoạch tổng thể, chiến lược đến quy hoạch, kế hoạch cụ thể, trước mắt.

Do vậy, để ngăn chặn một cách hiệu quả, lâu dài nạn đua xe, ngoài những biện pháp trực tiếp, trước mắt như TP vừa làm, rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược, căn cơ hơn. 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục