Triệt hạ cây ươi

Những ngày giữa tháng 8 này, trên khắp các con đường ngõ xóm ở thị trấn Thạnh Mỹ hay các xã của huyện Nam Giang (Quảng Nam), cảnh phơi phóng, mua bán ươi diễn ra tấp nập. Những con buôn từ các nơi đổ về tranh nhau mua ươi càng làm cho thị trấn nhỏ bé vùng sơn cước này thêm náo nhiệt.
Triệt hạ cây ươi

Những ngày giữa tháng 8 này, trên khắp các con đường ngõ xóm ở thị trấn Thạnh Mỹ hay các xã của huyện Nam Giang (Quảng Nam), cảnh phơi phóng, mua bán ươi diễn ra tấp nập. Những con buôn từ các nơi đổ về tranh nhau mua ươi càng làm cho thị trấn nhỏ bé vùng sơn cước này thêm náo nhiệt.

Chúng tôi đến Nam Giang lúc mùa ươi đã vào cuối vụ quả, nhưng không vì thế mà việc vào rừng tìm ươi lấy rái giảm xuống. Từ cầu Bến Giằng, chúng tôi theo QL 14D lên các xã Cà Dy, Tà Bhing… Dọc hai bên đường, những đứa trẻ đầu trần, chân đất cứ quanh quẩn bên những tấm bạt đầy ươi để canh giữ, nhà đóng cửa im ỉm.

Tấp vào quán nước ven đường, chúng tôi được chị Hường, chủ quán cho biết: “Họ vào rừng tìm ươi hết rồi. Cách đây 1 tuần họ đi từ sáng đến tối mới về, còn bây giờ đi từ 2-3 ngày do phải vào sâu trong rừng để tìm. Họ đi từng nhóm 4-5 người. Mỗi lần về mang ra vài trăm ký ươi”.

Trái ươi được lựa ra nhiều loại để bán sang Trung Quốc.

Trái ươi được lựa ra nhiều loại để bán sang Trung Quốc.

Gởi chiếc xe máy ở quán chị Hường, chúng tôi men theo con đường mòn tiến vào rừng. Càng vào sâu, càng gặp nhiều gốc ươi bị cưa ngang, nhựa tứa ra đỏ quạch, thân cây nằm la liệt…

“Trước đây, dân tìm ươi chủ yếu là đồng bào dân tộc, theo phương pháp chờ ươi chín rụng xuống (ươi bay) rồi nhặt. Nhưng 2-3 năm trở lại đây, dân nơi khác đến mang cả máy cưa lên triệt hạ để lấy quả, và đồng bào dân tộc cũng bắt chước làm theo. Người Kinh, người dân tộc cứ thế thi nhau triệt hạ cây ươi để lấy quả. Vì vậy, rừng ươi ở đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”, ông Đỗ Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang cho biết.

Ngược ra phía Bắc, những cách rừng nguyên sinh của Thừa Thiên - Huế cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ban đầu, chỉ một số hộ dân thuộc các xã vùng đệm Khu bảo tồn Sao La (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào rừng tìm hái ươi. Nhưng đến nay, số người chặt phá cây để tận thu ươi ngày một đông và địa bàn săn triệt hạ cây ươi lấy quả cũng vì thế mở rộng từ khu vực rừng nguyên sinh A Lưới sang huyện Hương Trà và thị xã Hương Thủy.

Hiện ươi tươi được mua với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg, còn “ươi bay” giá từ 150.000 – 160.000 đồng/kg. Do đó, rất nhiều người đổ xô vào rừng tìm ươi. ông Tống Phước An, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), phân trần: “Biết dân vô rừng chặt cây để lấy quả ươi, nhưng rất khó tịch thu tang vật. Bởi ươi không nằm trong Nghị định 99 của Chính phủ về xử phạt, tịch thu vi phạm hành chính nên không dám bắt, sợ dân kiện”.

Ươi là tặng vật quý giá của tự nhiên, mọc thành khu vực ở các khu rừng miền Trung – Tây Nguyên, tuy nhiên với kiểu khai thác mang tính “tận diệt” như hiện nay, không bao lâu nữa loài trái cây quý của núi rừng sẽ biến mất trong sự nuối tiếc của chính những người đang khai thác cũng như của các ngành chức năng.

Cây ươi còn có tên gọi cây lười ươi, cây thạch, cây đười ươi. Theo y học cổ truyền, trái ươi có vị ngọt, tính mát, thông độc, đi vào kinh phế, tác dụng làm trong tiếng. Trái đười ươi dùng chủ trị trong các trường hợp bị đau họng, ho khan, chảy máu cam, khàn tiếng, mất tiếng, họng sưng đỏ và đau.

NGUYỄN HÙNG – VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục