Triệt tham nhũng từ gốc

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã mở một cuộc điều tra nhằm vào ông Park Bum-hoon, cựu Chủ tịch Trường Đại học Chung-Ang, với các cáo buộc lạm quyền và có hành vi tham nhũng khi còn đảm nhiệm vai trò là trợ lý của cựu Tổng thống Lee-Myung-bak.

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã mở một cuộc điều tra nhằm vào ông Park Bum-hoon, cựu Chủ tịch Trường Đại học Chung-Ang, với các cáo buộc lạm quyền và có hành vi tham nhũng khi còn đảm nhiệm vai trò là trợ lý của cựu Tổng thống Lee-Myung-bak.

 Văn phòng công tố viên Seoul lục soát nhà ở của ông Park, phòng hành chính tại Trường Đại học Chung-Ang và cả Bộ Giáo dục Hàn Quốc, sau khi nhận được thông tin tố cáo sai phạm của ông Park.

Theo cơ quan điều tra Hàn Quốc, ông Park Bum-hoon bị nghi vấn đã gây áp lực buộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc trao thêm quyền quản lý và nguồn tài chính cho Trường Đại học Chung-Ang trong khoảng thời gian năm 2011 đến năm 2013. Lúc đó, ông Park là thư ký về các vấn đề giáo dục và văn hóa của cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông Park được cho là trợ lý tích cực nhất của ông Lee. Ông Park đã sát cánh cùng cựu Tổng thống Lee trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Theo Korea Herald, cuộc điều tra nhằm vào ông Park mới đây chỉ là một phần trong kế hoạch quyết tâm quét sạch tham nhũng của Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye.

Trước vụ ông Park, cảnh sát đã lục soát 6 văn phòng của các quan chức thuế tại Seoul và Gyeonggi vì nghi vấn có hành vi tham nhũng. Trong số các quan chức này, có 2 người làm việc tại Hội đồng Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc. Họ từng có bữa ăn tối xa xỉ với hóa đơn lên đến 1.600 USD với quan chức thuộc Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO). Họ còn bị tình nghi đã nhận hối lộ tình dục vì sau bữa ăn, cả 2 quan chức đã vào khách sạn với 2 nhân viên làm trong nhà hàng trên.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn mở chiến dịch điều tra nhằm vào các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên và năng lượng ở nước ngoài theo chính sách “ngoại giao năng lượng” do chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak xúc tiến. Hiện nay, dư luận cho rằng các dự án trên không hiệu quả, gây lãng phí nghiêm trọng và là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, móc ngoặc. Theo Korea Times, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (KNOC), Tập đoàn Keangnam là những đơn vị đang nằm trong danh sách điều tra vì bị nghi vấn tham nhũng, lập quỹ đen tại nước ngoài, trốn thuế…

Có thể thấy rằng, sau khi Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật chống tham nhũng mới vốn từng gây nhiều tranh cãi, Chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye đã ngày càng quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Dự luật mới được thông qua quy định hình phạt nghiêm khắc hơn với các hành vi tham nhũng của các đối tượng là công chức, nhà báo và giảng viên các trường tư nhân.

Trong những năm 1990, tại Hàn Quốc, tham nhũng và sự cấu kết giữa các tập đoàn lớn với chính quyền đã trở nên nghiêm trọng. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, tham nhũng tràn lan tại các tập đoàn đã kìm hãm mọi hoạt động của đất nước, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998. Bài học đắt giá này khiến Chính phủ Hàn Quốc luôn đặt mục tiêu chống tham nhũng làm trọng tâm. Những năm qua, tại Hàn Quốc, đã có không ít vụ tham nhũng lớn nhỏ bị đưa ra công lý nhưng tệ nạn này vẫn chưa bị đẩy lùi. Đây được cho là một trong những thách thức không nhỏ đối với những nhà lãnh đạo Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh người dân đang yêu cầu tăng sự minh bạch trong các hoạt động của chính quyền.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục