(SGGP).- Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương cho biết, mặc dù hiện nay mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang xuống chậm theo triều cường nhưng theo dự báo, từ ngày 11 đến 20-10, do ảnh hưởng của kỳ triều cường, mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ lên nhanh.
Trong đợt triều cường này, mực nước cao nhất năm tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên xấp xỉ mức báo động (BĐ) 1 từ ngày 18 đến 20-10. Trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 3,3m (dưới BĐ1 là 0,2m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,8m (dưới BĐ1 là 0,2m).
Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ lên tới mức BĐ3 và trên BĐ3. Do đây là kỳ triều cường mạnh nên có nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp; có khả năng gây ngập lụt tại khu vực nội thành TPHCM.
Mưa kết hợp triều cường khiến một số tuyến đường ở khu vực quận Bình Thạnh ngập sâu
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương, cơn bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông vào ngày 10-10. Chiều 10-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc - 117,3 độ kinh Đông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 360km về phía Đông - Đông Nam và sẽ tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông vẫn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Tuy nhiên, ở khu vực Nam biển Đông, vùng biển Nam bộ vẫn đang có gió mùa Tây Nam mạnh cấp 4 - 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8 nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh.
VĂN PHÚC