(SGGPO).- Mặc dù tới chiều 12-10, người dân mới được vào Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối. Nhưng ngay từ sáng sớm và suốt cả buổi sáng, hàng vạn người dân từ khắp mọi miền đã tập trung tại các đường phố xung quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia chờ đợi với mong mỏi được vào viếng Đại tướng.
Tại khu vực vườn hoa Yéc-xanh phía trước cổng Nhà tang lễ hàng ngàn người ngồi bệt trên thảm cỏ, mắt đỏ hoe chăm chú theo dõi những hình ảnh về tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền trực tiếp qua một màn hình lớn đặt bên ngoài nhà tang lễ (ảnh).
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phúc (68 tuổi, cựu thanh niên xung phong ở Sơn Dương, Tuyên Quang) nghẹn ngào: Hôm qua sau khi bắt xe khách từ Tuyên Quang xuống Hà Nội, tôi đã tới được nhà Đại tướng để vái lạy Người cho dù không được vào trong. Biết hôm nay, người dân sẽ được vào viếng Đại tướng nên từ sáng sớm nay tôi đã tới Nhà tang lễ Quốc gia để chờ đợi, tôi sẽ chờ cho tới khi được vào viếng bên linh cữu Người thì mới có thể yên lòng ra về được…
Còn bác Phạm Xuân Bắc (ở Đông Triều, Quảng Ninh) với chiếc băng đen cài trên áo, ngậm ngùi: Dù chưa bao giờ được gặp nhưng khi Đại tướng mất đi, cả tuần qua tôi và nhiều bạn bè, đồng đội sống trong tâm trạng hụt hẫng, đau xót. Đại tướng mất, hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam đau nhói như mất đi người thân bởi suốt cuộc đời của Đại tướng sống là cống hiến, là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đại tướng là tấm gương đạo đức để mọi người dân học tập noi theo.
Trở lại với ngôi nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, mặc dù từ đêm 10-10 ngôi nhà đã đóng cửa nhưng suốt hôm qua và cả ngày hôm nay vẫn có hàng ngàn người dân tới tập trung tại cổng nhà để bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi về coi vĩnh hằng của Đại tướng. Họ mang theo hoa và đứng ngoài thành kính vái vọng. Rất nhiều người đã thông qua những người lính cảnh vệ gửi hoa và nến vào trong nhà để tưởng nhớ tới Đại tướng. Toàn bộ vườn cây trong ngôi nhà của Đại tướng đã trở thành một khu vườn rực rỡ trải đầy hoa thơm.
Trước cửa nhà Đại tướng, cụ Lê Thị Thủy đã ngoài 80 tuổi với chiếc băng tang đeo trên ngực, rưng rưng cho biết: Đây là chiếc băng tang cụ đã đeo vào năm 1969 trong ngày Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó để trang trọng trên bàn thờ suốt mấy chục năm. Nhưng hôm nay Quốc tang Đại tướng nên cụ quyết định lấy xuống đeo vào và để tang Đại tướng như người ruột thịt trong gia đình.
Cũng tại trước nhà 30 Hoàng Diệu, một nhóm các bạn trẻ trường ĐH Mỹ thuật đã vẽ một bức chân dung Đại tướng khổ lớn bằng bút chì để mọi người tới nhà Đại tướng có thể viết lên đó những dòng chia buồn, cảm tưởng đầy xúc động.
Quốc Khánh - Lã Anh