Mục tiêu trong lĩnh vực KH-CN tại TPHCM năm 2010 là thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới từ kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ nano, sinh học, tự động hóa và năng lượng mới phục vụ sản xuất và đời sống… nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, ông Phan Minh Tân (ảnh), để có cái nhìn bao quát hơn về những sản phẩm sắp ra đời.
PV: Được biết Sở KH-CN TPHCM đã và đang phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu tại TPHCM tổ chức nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, ông có thể cho biết về những sản phẩm này?
Ông PHAN MINH TÂN: Đầu tiên phải nói đến pin mặt trời. Trước đây, qua đấu thầu đề tài Sở KH-CN đã giao cho Phòng Thí nghiệm công nghệ nano thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM nghiên cứu đề tài công nghệ sản xuất pin mặt trời từ các tấm silic, trong năm 2009-2010 sẽ có một số sản phẩm đầu tiên.
Nếu chúng ta làm chủ được công nghệ sản xuất pin thì giá thành chỉ còn 3-4 USD/Watt, hoàn toàn có thể phát triển năng lượng điện từ pin mặt trời phục vụ hiệu quả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo… và có khả năng xuất khẩu.
Trước đó, chúng tôi đã thực hiện dự án ứng dụng năng lượng sạch cho bộ đội Trường Sa với công suất 12kW pin mặt trời và 9kW năng lượng gió. Hiện nay tại đảo Trường Sa lớn đã có điện sử dụng 24/24 giờ.
Ông nói “đầu tiên là pin mặt trời”, vậy là còn nhiều sản phẩm công nghệ khác?
Tất nhiên, còn có những sản phẩm khác như năng lượng sinh khối (biomass), nhiên liệu sinh học (biofuel)... Về năng lượng sinh khối, Sở KH-CN đã giao cho Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện dự án biomass tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Mục tiêu của dự án là nghiên cứu ứng dụng các công nghệ để tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra năng lượng và phân bón để nâng cao thu nhập cho vùng nông thôn, hướng tới nền nông nghiệp xanh không chất thải. Sau khi có kết quả, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tài trợ dự án “Phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển công nghệ sinh khối ở Việt Nam”, thực hiện trong 5 năm, với kinh phí khoảng 5 triệu USD. Đặc biệt, dự án cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất kinh doanh (cồn sinh học) từ rơm rạ. Cùng với khí sinh học (biogas), cồn sinh học (bioethanol) sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp ở TPHCM.
Tôi cho rằng phát triển nhiên liệu sinh học đang là xu thế chung ở nhiều quốc gia, nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất biodiesel từ các loại dầu thực vật, mỡ cá tra, cá basa… Cụ thể các nhà khoa học ở Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu (Trường ĐHBK TPHCM) đã tự thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải, công suất 2 tấn/ngày. Hiện tại trung tâm đã sản xuất thử nghiệm gần 200 tấn biodiesel với chất lượng tốt.
Một nhóm các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất dầu DO nhũ tương chứa 20% nước. Thử nghiệm loại nhiên liệu này trên một số phương tiện vận tải như xe bus, xe chở container… cho thấy tiêu hao nhiên liệu so với dầu DO là tương đương hoặc giảm 5%; khói đen giảm 80%, CO2 giảm 15%, NOx giảm 40%. Thành công của đề tài này đã mở ra triển vọng rất khả quan về sản xuất các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Một sản phẩm nhiều người nói đến là vi mạch. Đã có không ít kết quả trong lĩnh vực này được công bố. Ông nhận định hướng phát triển sản phẩm lĩnh vực mới này như thế nào?
Thành phố đầu tư cho Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) - ĐHQG TPHCM, dự án sản xuất chip thương mại SG8-V1. Đây là một dự án đánh dấu bước ngoặt quan trọng vì trước kia chúng ta đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Lô chíp 150.000 con SG8-V1 mang thương hiệu Việt Nam là sự khởi đầu cho kế hoạch sẽ thương mại hóa sản phẩm này vào năm 2010. Qua dự án này, ICDREC ứng dụng bản thử nghiệm của chip SG8-V1 vào thiết kế hộp đen xe ô tô.
Không chỉ vậy, những ngày đầu năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Huy Hoàng chính thức đi vào hoạt động, với dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip nhận dạng từ xa bằng sóng radio (RFID)”. Đây sẽ là sản phẩm công nghệ cao được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực quản lý kho hàng, thẻ tín dụng điện tử, xuất nhập khẩu… Do đó có thể kỳ vọng năm nay sẽ cho ra mắt những sản phẩm chip nhận dạng đầu tiên Made in Vietnam; đến năm 2011 doanh thu của công ty này dự kiến từ 10 - 15 triệu USD/năm… Tôi cho rằng đây là những tín hiệu khá lạc quan trong lĩnh vực này.
Được biết, chương trình sản xuất robot công nghiệp được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển KH-CN của TPHCM. Vậy chương trình này đã đến đâu và sẽ cho ra đời những sản phẩm gì?
Chương trình sản xuất robot công nghiệp được xác định là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển KH-CN TPHCM. Hiện Sở KH-CN TPHCM đã thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình robot công nghiệp. Một số dự án sản xuất robot công nghiệp đã thành công, được doanh nghiệp chấp nhận. Điển hình những robot đã được thiết kế chế tạo như “Tay máy lấy sản phẩm nhựa tự động theo phương đứng”, “Robot ứng dụng để tự động hóa công đoạn hàn trong sản xuất sản phẩm kim khí mỹ nghệ”... Đây là những sản phẩm robot đầu tiên do Việt Nam chế tạo với giá thành cạnh tranh và chất lượng tương đương ngoại nhập. “Robot hàn đứng của các mối hàn góc”, “Robot hàn các đường ghép mí thẳng đứng” (do Công ty Tàu thủy Sài Gòn đặt hàng); “Robot sơn tự động”, “Thiết kế kho hàng tự động” (Công ty Vikyno đặt hàng); “Robot hàn giàn giáo” do Công ty Giàn Giáo Việt đặt hàng đã được chạy thử và có kết quả khá tốt, dự kiến sẽ được nghiệm thu trong năm nay…
Một thuận lợi khác trong phát triển robot công nghiệp là TPHCM còn có Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ Khoa học kỹ thuật với quy mô sản xuất bước đầu hơn 100 robot/năm. Đầu năm 2010, trung tâm này đã chính thức bắt tay vào sản xuất robot công nghiệp, đến cuối năm 2010 sẽ cho ra mắt một số robot công nghiệp như robot hàn di động, robot làm vệ sinh đường ống thông khí, robot vạn năng, hệ thống cấp vít tự động, tay máy cấp phôi và một số robot theo yêu cầu trường dạy nghề…
Xin cảm ơn ông!
BÁ TÂN thực hiện