(SGGPO).- Ngày 14-12, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức Diễn đàn “Bộ luật Dân sự 2015 – các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành”. Diễn đàn là một bước để thực hiện kế hoạch triển khai Bộ luật Dân sự 2015 với nhiều nội dung đột phá liên quan đến quyền sở hữu tài sản và quyền nhân thân.
Tại Diễn đàn, bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia, UNDP Việt Nam nhận định, theo kinh nghiệm quốc tế, việc tìm ra các giải pháp để tổ chức, thi hành Bộ luật Dân sự 2015 là rất quan trọng. Dẫn quy định trong Bộ luật Dân sự về nguyên tắc Tòa án không được từ chối các vụ việc dân sự vì không có điều luật điều chỉnh, bà Akiko Fujii mong sớm có những hướng dẫn và giải pháp để thi hành quy định này trong thực tế.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền nhân thân, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi cho phù hợp hoặc có hướng dẫn chi tiết.
Chẳng hạn, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, quyền xác định lại giới tính. Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), để thực hiện Điều 36 của Bộ luật Dân sự về quyền xác định lại giới tính, thì cần phải ban hành Luật về chuyển đổi giới tính để cụ thể hóa quyền này (với 2 nội dung chính: một là điều kiện để được chuyển đổi giới tính, thực thi các giải phẫu giới tính và hai là bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính). Dự án Luật về chuyển đổi giới tính đã được giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội trước năm 2020.
Cũng tại Diễn đàn này, Bộ Tư pháp chính thức giới thiệu Nhóm quan hệ đối tác pháp luật. Đây là Nhóm được thành lập vào tháng 7-2016 với chức năng đối thoại, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật, tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và vận động, tìm kiếm, điều phối viện trợ trong lĩnh vực pháp luật tại Việt Nam.
ANH PHƯƠNG