(SGGPO).- Sáng nay, 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (dưới đây gọi tắt là Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày tại phiên họp nêu rõ, mục tiêu cơ bản của Công ước và Nghị định thư Cape Town là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư; đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển thông qua việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay mà trước đây không dễ dàng tiếp cận và có chi phí cao.
Vẫn theo Bộ trưởng Thăng, ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Theo Chiến lược phát triển ngành, thì đến năm 2020 tổng số tàu bay khoảng 140-150 chiếc và sở hữu chiếm khoảng 50%. Như vậy ngoài tàu bay thuê, thì việc vay vốn mua tàu bay và thế chấp bằng chính tàu bay đó cần một nguồn vốn rất lớn. Việc được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi cho phép các hãng hàng không tăng cường được mức độ an toàn và hiệu quả khai thác đội tàu bay thế hệ mới, tăng lợi nhuận. Hơn nữa, khi các nhà sản xuất tàu bay có được mức bán cao thì chi phí sau bán hàng cũng sẽ được giảm đáng kể khi thị trường được mở rộng... “Nếu Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town theo Chính sách xuất khẩu tín dụng US-EXIM và European-ECAs thì lợi ích thu được đối các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2016 vào khoảng 60 triệu đô la Mỹ từ mức phí ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc quốc gia thành viên Công ước và Nghị định thư Cape Town”, vị Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp đều nhấn mạnh yêu cầu thận trọng cân nhắc khi tham gia Công ước và Nghị định thư này. Mặt khác, do có những khác biệt trong các quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town so với Bộ Luật Dân sự và một số văn bản pháp luật khác của Việt Nam nên vấn đề cần được trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Công ước và Nghị định thư Cape Town được ký kết tại Cape Town, Nam Phi ngày 16-11-2001, nhằm tiêu chuẩn hóa các giao dịch liên quan đến các trang thiết bị di động: trang thiết bị tàu bay, thiết bị đường sắt, thiết bị vũ trụ; có hiệu lực từ năm 2006. Đến nay đã có 62 nước gia nhập Công ước.
• Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc ký kết Công ước chống tra tấn.
ANH PHƯƠNG