“Trò chơi vương quyền” ở Trung Á

Theo trang Russiancouncil.ru, tuy củng cố được vị thế trên thế giới, song Nga lại dần đánh mất vai trò trong khu vực mà Mátxcơva vốn có ảnh hưởng lớn, cụ thể là tại Trung Á, nơi hiện trở thành sân khấu cho “trò chơi vương quyền” của các siêu cường.
Đồ họa Dự án Con đường tơ lụa mới do Trung Quốc đề xướng
Đồ họa Dự án Con đường tơ lụa mới do Trung Quốc đề xướng

Trung Quốc rất tích cực giành vị thế lãnh đạo tại Trung Á vì cần những thị trường mới, nguồn lực mới, đặc biệt là nguồn năng lượng. Chiến lược của Trung Quốc được xây dựng xuất phát từ lo ngại của Bắc Kinh về sự bất ổn tại các quốc gia Trung Á có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu tự trị Tân Cương.

Chiến thuật của Trung Quốc thuần túy về kinh tế. Ví dụ, ở Tajikistan, hơn 60% đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Trung Quốc. Ở Kyrgyzstan, nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 tăng gần 50% so với năm 2015, trong khi nhập khẩu từ Nga lại giảm gần 20%. Tổng đầu tư của Trung Quốc ở Trung Á đã đạt trên 100 tỷ USD, thêm 800 tỷ USD nữa sẽ được đổ vào đây trong 10 năm tới. Dự án Con đường tơ lụa mới do Trung Quốc đề xướng gồm những dự án hạ tầng có quy mô như xây dựng đường bộ, đường sắt, các cảng hàng không, cảng biển, đường ống cũng như các cơ sở hạ tầng khác trên toàn Trung Á.

Nhật Bản cũng gia nhập cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Trong cơ cấu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thậm chí còn có cả chức vụ đại diện về các nước Trung Á và Thủ tướng Shinzo Abe hồi cuối năm 2016 đã đề xuất thành lập Quỹ phát triển cho Trung Á có tổng vốn 30 tỷ USD. Trong khi đó, khi gia tăng sự hiện diện tại Afghanistan, Mỹ cũng nhắm đến hợp tác quân sự - chiến lược tại Trung Á. Afghanistan đang có nội chiến và các nhóm cực đoan ngày càng chiếm đóng các vùng cận biên.

Trong bối cảnh đó, Kazakhstan đã ký thỏa thuận với Lầu Năm Góc về hợp tác quân sự - chiến lược trong 5 năm, lập đơn vị bảo vệ hòa bình theo tiêu chuẩn NATO, cùng với Mỹ dự định lập hạm đội trên biển Caspian. Các tiến trình tương tự cũng diễn ra tại Uzbekistan, nước đã ra khỏi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và từ chối làm thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu. Tajikistan đang hợp tác chặt chẽ hơn với Lầu Năm Góc trong các vấn đề kiểm soát biên giới Afghanistan...

Ngày càng quyết liệt hướng tới vai trò thủ lĩnh tinh thần và thế giới quan tại Trung Á là các đồng minh Trung Đông của Mỹ như Saudi Arabia và Qatar, những nước tích cực ủng hộ chương trình xây dựng các nhà nguyện và giáo dục tôn giáo. Cũng không nên quên các lợi ích truyền thống tại khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, nước cho mình là thủ lĩnh của thế giới người Turk. Rõ ràng, Ankara sẽ nỗ lực tăng tối đa ảnh hưởng chính trị và kinh tế tại Trung Á.

Vai trò và giá trị của vùng Trung Á đang tăng lên, trở thành khu vực giao cắt các lợi ích của các bên tham gia quốc tế quan trọng bậc nhất và là khu vực có các liên minh dân tộc và sáng kiến lớn nhất như EAEU, Vành đai và con đường. Sự tăng cường vị thế của các bên tham gia địa chính trị chính trong tương lai tiềm ẩn những thách thức nghiêm trọng đối với Nga, vốn được xem như một cường quốc hàng đầu lục địa Á-Âu.

Tin cùng chuyên mục