Trò được đánh giá thầy

Đó là câu chuyện khá mới mẻ ở Trường THPT Phan Huy Chú ở Hà Nội và được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chọn đến thăm, tìm hiểu cách làm mạnh dạn này. Xuất phát từ ý tưởng muốn hiểu rõ học trò của mình có tâm sự gì khó thổ lộ, nhà trường đã khởi xướng việc lấy ý kiến, nhận xét của học sinh về thầy cô giá và môi trường học đường.

Thời gian đầu, việc lấy ý kiến giới hạn trong cán bộ lớp, rồi đến học sinh học lực giỏi, tiên tiến và đến năm 2008, nhà trường mở rộng đến đối tượng học sinh trung bình và toàn trường. Như tâm sự của cô hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú, nhìn lại chặng đường 10 năm chinh phục - chạm vào trái tim học trò, nhà trường vấp phải không ít khó khăn, trở ngại. Bởi lẽ, từ vị trí trên cao, được tôn sư, bảo gì trò nghe nấy, bây giờ thầy cô phải nhìn lại mình khi bị trò nhận xét, đánh giá. Đó có thể là cách dạy học quá nghiêm khắc, cách truyền đạt kiến thức khó hiểu, cách ứng xử chưa đúng hoặc thầy cô nghiêm nghị, ít khi cười... Thật không dễ để trải qua những cảm xúc trái chiều, thậm chí là căng thẳng, mệt mỏi khi bị học trò nhận xét về cái đúng, cái chưa chuẩn của thầy cô.

Thế nhưng, khi được học trò tôn vinh, họ lại thấy phần thưởng đó mới cao quý, mới đáng trân trọng. Từ sự đóng góp hồn nhiên, cởi mở của các em, nhiều thầy cô giáo đã soi lại mình và hiểu rõ con đường ngắn nhất để chinh phục học sinh và được các em tôn vinh chính là từ “trái tim đến trái tim”. Tuy không dễ thay đổi nếp nghĩ lẫn quan điểm “tiên học lễ” nhưng dần dần, thầy cô đã hiểu mong muốn cuối cùng của trò là được học tốt hơn, được lĩnh hội kiến thức nhiều hơn để thành người. Chính những lời nhận xét của các em đã giúp các thầy cô hoàn thiện hơn “sứ mệnh trồng người” cao cả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mô hình trò đánh giá thầy của trường, nhấn mạnh nếu người thầy vẫn khư khư giữ tâm lý cho rằng mình luôn đúng, là chân lý thì rất nguy hiểm, giáo dục sẽ lạc hậu, không thể đổi mới toàn diện. Ông đề nghị trong năm học này, Bộ GD-ĐT cần tổng kết chuyên đề, xem cả nước đã có bao nhiêu trường phổ thông thực hiện mô hình trò đánh giá thầy. Trong giáo dục phải có khen, có thưởng, đánh giá đúng. Ngay cả việc đánh giá đúng cũng cần có thẩm định từ phía học sinh.

Thực tế cho thấy, trong khi các trường công lập còn e dè, ngại ngùng với việc trò đánh giá thầy, ở nhiều trường ngoài công lập, trường quốc tế tại VN, học sinh có quyền được nêu chính kiến, được đánh giá về chất lượng giảng dạy của giáo viên và đòi hỏi thay đổi người đứng lớp nếu họ không làm người học hài lòng. Vì thế, từ câu chuyện ở Trường Phan Huy Chú với cách làm được đánh giá là rất hay này, ngành giáo dục - đào tạo nên khuyến khích các trường công lập học tập mô hình này. Nó có thể được xem là mới lạ ở Việt Nam nhưng với các nền giáo dục tiên tiến ở nhiều nước, đây là hoạt động bình thường.

Một khi thầy cô giáo luôn nghĩ mình đúng và không dám để học trò nhận xét, đánh giá về chuyên môn, phương pháp truyền thụ kiến thức thì làm sao có thể nói đến mục tiêu to tát là đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Cốt lõi của câu chuyện trò đánh giá thầy, nếu được nhìn nhận ở hướng tích cực, thay đổi tư duy của ngành giáo dục, sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị đích thực của người thầy khi được chính học trò công nhận, tôn vinh. 

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục