Trở lại Mường Phăng

60 năm đã trôi qua nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) vẫn còn sống mãi những ngày tháng hào hùng như một biểu tượng tự hào của dân tộc về chiến thắng giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Tại nơi rừng thiêng này, vào năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã có những chỉ đạo tài tình, quyết đoán cùng với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trở lại Mường Phăng

60 năm đã trôi qua nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) vẫn còn sống mãi những ngày tháng hào hùng như một biểu tượng tự hào của dân tộc về chiến thắng giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Tại nơi rừng thiêng này, vào năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã có những chỉ đạo tài tình, quyết đoán cùng với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trở lại Mường Phăng ảnh 1

Các cựu chiến binh thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Về rừng đại tướng

Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Điện Biên, những con dốc quanh co, uốn lượn bên những vạt rừng hoa ban nở trắng. Từ dốc Nà Nhạn, nơi Tượng đài Bộ đội kéo pháo bằng tay sừng sững hiên ngang giữa đất trời Tây Bắc, trên con đường nhựa phẳng phiu như dải lụa mềm mại quanh co qua những làng bản trù phú, những mảnh ruộng nương xanh mướt, chúng tôi tới Mường Phăng, nơi cách đây 60 năm về trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt và xây dựng làm trung tâm căn cứ đầu não của quân đội ta, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong dòng người trở lại Mường Phăng hôm nay có không ít cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vô vàn gian nan, hiểm nguy nhưng hào hùng cách đây 6 thập kỷ, Đại tá Nguyễn Bội Giong (89 tuổi, nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Tổng tham mưu, trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho biết, cách đây 60 năm, Mường Phăng không chỉ là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà nơi đây còn là “bộ não” của toàn chiến trường Đông Dương.

Hồi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thượng phương bảo kiếm” được toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tham mưu trưởng, Đại tướng Hoàng Văn Thái và cán bộ trong Sở Chỉ huy Mường Phăng vẫn luôn cập nhật những diễn biến trên các chiến trường toàn Đông Dương, làm cơ sở đưa ra những chỉ đạo sáng suốt, chính xác và quyết đoán để giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trở lại Mường Phăng ảnh 2

Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy

Đi giữa cánh rừng đại ngàn trong tiếng gió xào xạc, chúng tôi tới lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy. Chiếc lán nhỏ làm bằng tranh tre nứa và cỏ tranh vô cùng đơn sơ nhưng tại đây, người “Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những phương án tác chiến mang tính lịch sử, quyết định cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nói về lán làm việc này, trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ghi lại: “Mỗi lần đi chiến dịch, tôi lại trở về ngôi nhà quen thuộc. Nó cũng giống như phần lớn những ngôi nhà của các cơ quan ở Việt Bắc trong kháng chiến, chỉ khác là ở mặt trận nó được thu nhỏ tới mức tối thiểu, đúng hơn là một cái lán. Vật liệu gồm tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những đoạn vầu bổ đôi. Hai đầu nhà có hai chiếc giường lát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lò Văn Hoàng (Tổ trưởng Tổ quản lý Di tích Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ) cho biết, Mường Phăng trong tiếng Thái có nghĩa là “Rừng Lạnh” vì quanh năm có sương mù, khí hậu mát mẻ trong lành, nơi đây cách thành phố Điện Biên 10km đường chim bay và 38km đường bộ.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bà con Mường Phăng gọi Sở Chỉ huy Chiến dịch bằng cái tên rất thân thương là “Rừng Đại tướng”. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng thành một hệ thống lán trại, hầm hào liên hoàn, bao bọc trước sau thuận tiện, phù hợp tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đảm bảo được bí mật và an toàn tuyệt đối.

Đặc biệt, từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh núi Pú Huốt (Sừng Trời), cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát, từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát. Mọi động tĩnh của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị quân ta theo dõi để có những “nước cờ” đi trước hợp lý, khiến quân địch bất ngờ, không kịp trở tay. Vì thế, Mường Phăng trở thành vị trí chiến lược quan trọng trong chiến dịch.

Thay da đổi thịt

Những nếp nhà sàn lợp ngói đỏ tươi của đồng bào dân tộc ở các bản Phăng 1, Phăng 2, Bánh, Khẩu Cắm... nằm bên những thửa ruộng bậc thang tươi tốt. Trẻ em vui tươi tung tăng cắp sách tới trường trên những con đường liên thôn, liên bản được bê tông hóa rộng rãi sạch đẹp.

Anh Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, con trai cụ Lò Văn Bóng (người bảo vệ vòng ngoài Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và là người sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ giữ rừng Mường Phăng) vui mừng cho biết, Mường Phăng, nơi chốn “thâm sơn cùng cốc” năm xưa giờ đang dần thay đổi để trở thành một điểm sáng về nông thôn mới ở Điện Biên.

Cả xã có diện tích tự nhiên khoảng 3.400ha, 26 thôn bản với trên 3.600 nhân khẩu, gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh, trong đó người Thái chiếm khoảng 80%. Nhiều dân tộc nhưng bà con cùng chung sống, tinh thần đoàn kết rất cao, giúp đỡ nhau trong công việc, làm ăn nên cuộc sống các hộ ngày một khấm khá.

Mường Phăng hôm nay

Mường Phăng  hôm nay

Bí thư xã Mường Phăng chia sẻ, để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, kiên trì, bền bỉ nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, trong đó đi đầu là những cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện. Chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể trong xóa đói giảm nghèo, trước hết chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi được đầu tư các công trình thủy lợi để chuyển từ sản xuất 1 vụ lên 2 vụ lúa, cùng với đó nhiều giống lúa mới cho chất lượng cao cũng đã được đưa vào gieo cấy. Phần lớn người dân đã đủ ăn, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm đáng kể.

Không chỉ có trồng lúa, nhiều hộ trên địa bàn đã tận dụng diện tích đất nương rẫy để trồng cây dong riềng, trồng hoa, phát triển chăn nuôi và sản xuất. Toàn xã đã có hàng chục trang trại vừa và nhỏ của bà con với thu nhập từ 50-200 triệu đồng/năm.

Không chỉ đời sống, kinh tế của người dân Mường Phăng ngày một nâng cao mà cơ sở vật chất ở xã từng bước được đầu tư xây dựng góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng bài bản và quy củ.

Đặc biệt, 3 ngôi trường các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở Mường Phăng đều được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ học sinh. Đây là niềm vinh dự và tự hào cả thầy trò ở Mường Phăng và hơn nữa là động lực để các thầy cô dạy tốt hơn, học trò chăm ngoan, học giỏi hơn.

Anh Lò Văn Biên cho biết thêm, cùng với việc gìn giữ, bảo vệ di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính quyền địa phương rất quan tâm phát triển du lịch thông qua việc khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống ở địa phương và phát triển các đội văn nghệ tại các thôn bản.

Vẫn biết chặng đường phía trước của Mường Phăng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với truyền thống lịch sử Điện Biên anh hùng, cùng với ý chí, sự quyết tâm của nhân dân nơi đây, chắc chắn vùng đất của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa sẽ ngày càng vững vàng khởi sắc và phát triển.

Trở lại Mường Phăng ảnh 4

Người dân Mường Phăng kinh doanh phát triển du lịch. Ảnh: Quốc Khánh

 Không thể ngủ được

“24 giờ (ngày 7-5-1954), anh Lê Chưởng (Chính ủy Đại đoàn 304) gọi điện thoại báo cáo đã bắt được toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có cả Lalăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Geneva, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị. Các đồng chí của ta và các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc đều mong đợi tin này hàng giờ... Lá cờ Tổ quốc được nhân dân ta nêu cao trên chiến trường lịch sử: Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Nava coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó...

Ngày hôm sau, 8-5-1954, chúng tôi nhận được thư của Bác. Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Trích Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

KHÁNH NGUYỄN - TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục