Những ngày đầu tháng 6, giữa mùa mưa Tây Nguyên, chúng tôi đã có “chuyến hành quân” đặc biệt về lại Trường Sơn. Nói đặc biệt là vì chúng tôi được theo chân Thiếu tướng Phan Khắc Hy – nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Trường Sơn đi tìm lại một số di tích của đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có nơi hợp lưu giữa hai tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn.
Câu chuyện giữa Thiếu tướng Phan Khắc Hy với chúng tôi đầy ắp kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Xe bon bon trên quốc lộ 14C (trong kháng chiến chống Mỹ là đường Hồ Chí Minh) đi qua địa phận huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), chúng tôi gặp lại con suối Ia Đrăng, núi Chư Pông, đồn điền Lệ Xuân... những địa danh quen thuộc với những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa.
Tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), nơi hợp lưu giữa Đông và Tây Trường Sơn, đi theo quốc lộ 14C khoảng 7km, đoàn đến được suối Đôi, một địa danh đã lưu vào ký ức của Thiếu tướng Phan Khắc Hy những kỷ niệm đẹp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi tập kết các đơn vị xe cơ giới trên đường hành quân. Lúc cao điểm, nơi đây chứa đến 1 tiểu đoàn với khoảng từ 122 đến 150 xe; 1 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly bảo vệ đoàn xe; 1 trung đội công binh bảo vệ ngầm nước...
Đầu năm 1975, Bộ Chính trị quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên. Đoàn 559 nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho Đại tướng. Ngày 7-2-1975, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phân công Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh cùng hành quân với Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Lúc đó, Sở chỉ huy của Đoàn 559 đóng tại Bến Tắt (thuộc bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị). Ngày 8-2-1975, đoàn ngủ tại Trung đoàn Công binh 98. Ngày 9-2-1975, đoàn ngủ tại Trung đoàn 10, địa phận Bắc Kon Tum. Ngày 10-2-1975 (tức 30 Tết năm 1975), đoàn công tác đón giao thừa tại Sư đoàn 470 (đơn vị đảm bảo vận tải) thuộc vùng Ia Chi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Sáng ngày 11-2, đoàn của Đại tướng Văn Tiến Dũng hành quân theo đường 19. Tướng Hy kể: “Đến khu vực suối Đôi, đoàn gặp 6 tiểu đoàn xe cơ giới với gần 700 chiếc xe của Bộ đội Trường Sơn đi ngược lại. Để đảm bảo cho đoàn xe đi không gián đoạn cần đến vài tiếng đồng hồ, nên Đại tướng quyết định nghỉ lại suối Đôi, thay vì đến Trung đoàn 4 đóng tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắc Lắc) như dự định”.
Vị tướng già nhớ mãi ánh mắt tự hào của Đại tướng Văn Tiến Dũng khi nhìn đoàn xe hàng trăm chiếc hùng dũng nối đuôi nhau di chuyển như một “suối thép”, một minh chứng hùng hồn cho sự lớn mạnh vượt bậc của Quân đội Việt Nam anh hùng vào thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc – mùa xuân năm 1975.
Về lại Trường Sơn, dù dấu tích chiến tranh nơi còn nơi mất, nhưng những ký ức về những hy sinh gian khổ của những người lính Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường dường như vẫn còn đậm nét trong người tướng già. Ông kể, trên bầu trời của đường Trường Sơn, 24/24 giờ máy bay địch vần vũ. Ban ngày chúng dùng máy bay trinh sát OV10, L19, khi phát hiện quân ta điều khiển xe vận tải chạy có bụi, lập tức phun hỏa mù xuống đoàn xe. Sau đó chúng điện đàm phi công lái máy bay phản lực dựa vào hỏa mù ném bom.
Về đêm, địch dùng máy bay C130 có trang bị tia hồng ngoại để trinh sát; rồi dùng đạn 40 ly để bắn xe vận tải của ta. Trên đường Trường Sơn, không có đêm nào là không có xe cháy, bộ đội hy sinh. Nhưng ta vẫn luôn phát triển lớn mạnh. Đoàn 559 đã đưa đón thành công nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vào Nam ra Bắc, bảo vệ an toàn các nguyên thủ quốc gia của các nước bạn khi đi qua Trường Sơn.
Được sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, đoàn công tác của Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn – Báo SGGP cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã đến nơi hợp lưu giữa hai tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn thuộc hai huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) và Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).
Thông qua cuộc khảo sát này, một số địa điểm đã được xác định, dự kiến đặt tượng đài truyền thống Bộ đội Trường Sơn, một trong những hoạt động của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn nhằm tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đổ xương máu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo nên đường Trường Sơn huyền thoại.
ĐỨC TRUNG