Trợ lực kinh tế tư nhân

Trợ lực kinh tế tư nhân lớn mạnh, vừa là quan điểm của Đảng, vừa là yêu cầu thực tế trong bối cảnh Nhà nước đang tái cấu trúc - cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động khu vực này.

Kinh tế tư nhân đã được Đảng thúc đẩy phát triển ngay từ Đại hội VI - dấu mốc đổi mới kinh tế đất nước (1986). Tại các kỳ đại hội tiếp theo, khu vực kinh tế này luôn được quan tâm, làm rõ nội hàm với nhiều chính sách mới. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Điều này là tất yếu trong bối cảnh mô hình tăng trưởng nước ta đã bộc lộ những điểm yếu, cần thiết phải chuyển đổi, tìm ra những động lực phát triển mới trong nền kinh tế. Và thực tế, các nước hùng mạnh phát triển đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân, bởi không tiêu tốn nguồn lực nhà nước, lại hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Trong giai đoạn 2012-2015, xét theo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu, khối doanh nghiệp tư nhân đạt mức tăng trung bình 21,35%/năm, cao vượt trội so với mức 8,51% của doanh nghiệp nhà nước, 10,69% của doanh nghiệp FDI.

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (1999) đã thực sự tạo cú hích đối với kinh tế tư nhân: Xác lập quyền tự do kinh doanh, người dân và doanh nghiệp được kinh doanh những gì luật pháp không cấm; không hạn chế về quy mô, địa bàn, các ngành nghề kinh doanh... Luật Doanh nghiệp sửa đổi (2014) càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động; các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thu hẹp, nhờ đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006-2015, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng giá trị công nghiệp, 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 35% tổng vốn đầu tư phát triển, thu hút 51% lực lượng lao động cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm xã hội mỗi năm.

Vậy, vấn đề đặt ra là khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã thực sự vững mạnh chưa? Nhìn vào thực tế, có thể thấy khu vực kinh tế này ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trong các ngành then chốt của nền kinh tế vẫn còn rất ít, chưa đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân có ý nghĩa quan trọng, mới tạo đối trọng với khu vực nhà nước và FDI, tạo nền tảng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp lớn trong khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chỉ chiếm khoảng 1,2%!

Trợ lực kinh tế tư nhân lớn mạnh, vừa là quan điểm của Đảng, vừa là yêu cầu thực tế trong bối cảnh Nhà nước đang tái cấu trúc - cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động khu vực này. Tuy nhiên, điều đáng lo là doanh nghiệp tư nhân nước ta vẫn chưa chịu lớn hoặc trong tình trạng... thuyền thúng, li ti. Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam do VCCI công bố mới đây cho thấy 74,6% doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ; 22,7% quy mô nhỏ; chỉ có 1,47% doanh nghiệp vừa và 1,2% doanh nghiệp quy mô lớn. Vì sao có tình trạng này? Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho rằng, điểm mấu chốt là nguồn lực đất nước vẫn được phân bổ theo cơ chế xin-cho, thân hữu. Môi trường cạnh tranh chưa minh bạch, đã tạo ra nhiều rào cản kinh doanh, làm hạn chế hoạt động các doanh nghiệp tư nhân. Mặt khác, có một nỗi lo thực tế từ các doanh nghiệp: Hễ đẩy mạnh hoạt động để phát triển doanh nghiệp thì áp lực thanh tra, kiểm tra càng nhiều, chi phí càng cao, rủi ro càng lớn. Mặc dù Luật Doanh nghiệp mới có nhiều tháo gỡ, nhưng nếu so với danh mục kiểm tra của OECD, các quy định về kinh doanh “của Việt Nam hầu hết đều có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh với nhiều điều kiện ràng buộc”.

Tăng trưởng GDP trong quý 1-2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây và thấp xa so với mục tiêu đề ra trong năm nay, chứng tỏ môi trường kinh doanh vẫn chưa thông thoáng, tạo động lực phát triển, khởi nghiệp. Báo cáo kinh tế quý 1-2017 của Tổng cục Thống kê công bố, cho biết trong 3 tháng đầu năm cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó có 23.904 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tương đương với 9/10 số doanh nghiệp thành lập mới. Bình quân mỗi ngày có 265 doanh nghiệp rời khỏi thị trường và 294 doanh nghiệp mới ra đời. Bức tranh này cho thấy chủ trương cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ doanh nghiệp chưa thẩm thấu đến các cấp, chưa trở thành phương châm hành động, kích hoạt mạnh mẽ việc phát triển kinh tế tư nhân. Trên cấp độ thể chế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Kinh tế tư nhân còn khó hội tụ thành lực lượng đối tác vững mạnh, quan trọng khi những rào cản kinh doanh còn quá lớn. Nếu không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất thì không có cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn để thể hiện sức mạnh”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đánh dấu quyết tâm mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào các đột phá chiến lược: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định vĩ mô, tạo môi trường và động lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh... Tiếp nối những quyết sách trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn kinh tế tư nhân do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức mới đây, cho biết: Hội nghị Trung ương 5 khóa XII sắp tới sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trợ lực kinh tế tư nhân là một phương cách hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, giải phóng sức sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Bình nêu nhận định: “Những yếu kém, hạn chế của kinh tế tư nhân trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Thể chế phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chưa tạo ra những bước đột phá trong đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để phát triển nhanh, vững chắc khu vực kinh tế này”.

Tin cùng chuyên mục