Ở độ tuổi gần “Thất thập cổ lai hy” lẽ ra phải nghỉ dưỡng, sống vui tuổi già, sum vầy với con cháu nhưng ông Nguyễn Văn Chương (ảnh), sinh năm 1945, ngụ ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM đã miệt mài bên giảng đường đại học suốt 5 năm qua. Ông Chương tâm sự: “Tôi sinh ra lúc chiến tranh loạn lạc, gia đình ly tán, cái ăn cái mặc còn không đủ lấy đâu lo chữ nghĩa cho con cái”. Nhưng năm tháng trôi qua, ông lấy được bằng Tú tài - lớp 12 ngày nay.
Năm 1965, cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam đi vào thời kỳ ác liệt. Ông xin vào dạy học ở một trường nhỏ, nên có thời gian ghi danh vào học Đại học Luật Văn khoa - Sài Gòn. Đến năm 1972, chiến tranh khốc liệt hơn với “Mùa hè đỏ lửa”, khi đó ông chỉ học đến năm 2, khoa Luật, Đại học Sài Gòn. Do thời cuộc và gia đình nên ông đành xếp bút nghiên, từ bỏ mộng làm luật sư.
Đất nước thống nhất, gia đình ông Chương ổn định cuộc sống, các con đã lớn và ông bắt đầu theo học hệ tại chức ngành kinh tế quốc dân của Trường Đại học Tổng hợp. Bốn năm sau ông nhận được bằng cử nhân kinh tế ở tuổi 50, nhưng ông chưa muốn dừng lại ở đó!
Vào dịp sinh nhật tuổi 63, ông quyết định theo học ĐH Luật với ước mơ khao khát trở thành luật sư. Nhiều bạn bè, người thân ông e ngại tuổi tác và sức khỏe: “Cụ già rồi học hành nữa làm gì, nghỉ ngơi cho khỏe!”. Nhưng người đứng sau lưng luôn ủng hộ ông chính là bà xã, bà nói: “Tôi biết ông xã tôi già nhưng ý chí không già”. Ngay ngày hôm sau, ông khăn gói lên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương (nay là Đại học Kinh tế kỹ thuật Bình Dương) đăng ký học lớp Luật B1 của Trung tâm đào tạo từ xa, liên kết đào tạo với Đại học Huế, hệ 5 năm và học cho đến ngày tốt nghiệp 15-9-2013. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông đăng ký học thêm lớp luật sư 24 tháng. Trong khi đó, 5 người con của ông Chương đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và thành đạt trong cuộc sống.
| |
HỒNG PHI