1. Ban mai vẽ nắng thành vệt kéo dài qua sân vườn. Mái mình mẩy bê bết máu, cố dùng chân chòi đạp mép lá dừa nước để thoát nơi vừa xảy ra trận quyết tử với Bồ Cắt. Nó ngẩng đầu, kêu ‘’túc túc...túc...’’ gọi con tụ đàn. Nó lê từng bước một, chui vào bụi tre nằm dưỡng thương. Bầy gà con thất tán, lần lượt tụ về lăng xăng, líu xíu bên mẹ.
Trời đứng bóng!
*
Cóc Tía dụi dụi hai chân trước, nhủi nhủi cái mỏ xuống mép hang, bò xuống mí rạch kiếm nước uống. Tiếng là cậu của Trời; nói chơi cho đã cái bụng, vậy thôi! Chớ cậu, khỉ gió gì? Dẫu trần gian khô hạn, vạn vật tiêu điều, người chết vì nắng nóng, cậu Cóc có nghiến gãy răng, chắc chi Trời sợ mà rớt bậy năm ba hạt nước, thành mưa!
Bất dung gian, cậu Cóc chứng kiến trận đánh ‘’đất đối không, lạnh mình sương gió’’ giữa Bồ Cắt với Mái. Đúng là, kỳ phùng địch thủ!
Bồ Cắt giấu mình trên ngọn tre ‘’cao ngất tầng mây’’ từ lúc chùa Linh Bửu khởi sự thời kinh công phu sớm. Chưa dứt thời kinh công phu sớm, Gà Mái giương đôi cánh đập vào thân, thúc bầy con lẹ chân rời tổ. Và, cuộc mưu sinh một ngày mới khởi hành!
Nhanh như cắt! Đúng thiệt là nhanh như cắt! Bồ Cắt với đôi cánh mỏng và nhọn, buông mình rời nơi mai phục, lao xuống bầy gà con với tốc độ hơn ánh sao xẹt đêm tối trời ba mươi, chẳng khác nào chiêu ‘’Quyết thức’’ trong Độc Cô Cửu Kiếm của Lệnh Hồ Xung! Bằng linh tính và bằng khứu giác của người mẹ, Mái bắt kịp mùi của kẻ thù. Mái hét lên tiếng hét tử sinh, vang động buổi ban mai. Bầy gà con thay vì chạy vào lòng mẹ để mẹ dùng đôi cánh úm lại che chở, cả bầy hè nhau cắm đầu cắm cổ chạy trối chết, lủi vào bụi tre gai... Có lẽ, Mái cũng đã từng trải và nhiều kinh nghiệm xương máu khi buộc phải đối diện với kẻ thù bắt giết con. Mái không theo lối mòn thụ động: Úm con vào lòng, phơi lưng cho Bồ Cắt mặc sức mổ xé thịt mình, miễn sao con được sống. Mái chủ động trong phòng ngự bảo vệ con và sử dụng cương nhu, khéo léo, tùy tình huống mặt giáp mặt kẻ thù.
Sợ quá, Cóc Tía nhắm mắt và thinh không. Đến khi nghe trời đất lặng thinh, Cóc Tía hoàn hồn, mở hí mắt ra: Mép rạch te tua, cỏ hoa nhàu nát... Bồ Cắt gãy cánh, đầu cắm lút xuống bãi sình, mông chổng lên trời... Hình như nó chết trong nỗi kinh hoàng, chưa kịp nghĩ điều sợ hãi!
*
Mái nằm lưng chừng bờ, thở bở hơi tai. Bầy con từ bụi tre gai túa ra, dợm chạy tới mẹ. Mái hét lên một thứ âm thanh chi đó, bầy gà con riu ríu chạy trở vô bụi tre. Cóc Tía mon men tới bên Mái, hỏi:
- Mái! Cóc có thể mần gì giúp Mái?
Mình mẩy Mái đầy rẫy vết cắt, máu me khắp chỗ. Mái lắc lắc cái đầu, miệng chúm chím mỉm cười. Cóc có cảm giác Mái đang sướng trong cái đau thân xác, khi mần xong chuyện sống chết với kẻ thù để bảo vệ bầy con.
Minh họa: A. Dũng
Cóc tò mò muốn biết về cái chết của Cắt.
Mái trở mình, chân trái dựa lưng Cóc mần điểm tựa, cố giở chân phải lên để lết khỏi chiến trường càng lẹ càng tốt. Cóc hỏi tại sao? Mái nói:
-Lũ Cắt có thể trở lại một khi không thấy đồng loại quay về. Ta chẳng còn sức ăn thua với chúng.
Mái kể rằng:
- Cắt rất nhuần nhuyễn sử dụng ngón đòn bất ngờ khiến đối phương ‘’khớp đèn’’ chết khiếp. Sau đó, Cắt chỉ mần mỗi việc còn lại là dùng móng sắt bén của đôi chân quắp sâu vào thịt con mồi và đôi cánh vỗ bay vút lên trời xanh. Lần nầy, Cắt gặp phải tay chẳng vừa như ta, nó chết bởi cú lao sở trường ‘’thần sầu quỷ khóc’’ của chính nó!
Như để cho Cóc hiểu, Mái nói rõ hơn:
- Mỗi ban mai khi dẫn con rời tổ, ta đều cảnh giác kẻ thù. Dẫu kẻ thù có trăm phương ngàn kế hoặc quỷ quyệt hiểm sâu tới đâu, giỏi giấu mình mai phục... ta vẫn phát hiện ra chúng!
- Sao Mái giỏi vậy?
Cóc hỏi Mái trong sự bái phục sát đất.
Mái chậm rãi, nói:
- Mỗi sinh vật trong cõi trần gian, Thượng đế ban tặng cho một cái mùi đặc trưng bất di bất dịch. Ta nắm được cái mùi đặc trưng của Cắt. Chủ động phát hiện sớm, ta kịp thời xua đuổi bầy con ta trở lại chỗ an toàn nơi xuất phát.
Mái cười khanh khách:
- Ta chỉ cần một cái lắc mình, trở bộ đập cánh bay tới mép sình, cú lao của Cắt lao theo và... bùn văng tung tóe! Cắt không thể bay lên và Cắt buộc phải đánh theo lối đánh của đối phương. Cắt chết chắc!
Đưa Mái qua chặn đường nguy hiểm, Cóc lộn ngược về hang, nằm ngẫm nghĩ:
- Thói quen tạo thành quy luật mà, đã là quy luật rồi thì trước sau gì cũng sẽ chết bởi cái quy luật đó; nếu kẻ thù khéo léo giải mã được.
2. Nóng sinh ra bực. Bực sinh ra bức. Bức khiến đầu chậm hơn miệng. Và, lưỡi lẹ hơn óc. Dẫn tới lời nói, hành động thiếu suy nghĩ, không chuẩn xác. Vì vậy, tiếng gà gáy năm canh bây giờ ‘’lùng tùng xèng’’ lắm. Tuần hoàn của trời đất mất dần theo chiều trật tự tự nhiên, nó biến đổi bởi tham vọng ở con người. Sự sống không còn là sự sống của cái đã qua hoặc của cái sắp tới mà sự sống của cái hiện tại, cấp thời nơi đang sống. Nhưng sự sống đó, giờ đã đột ngột đổi thay. Bầy gà con chết hơn phân nửa, không bởi móng vuốt kẻ thù Bồ Cắt; nó chết vì uống nguồn nước xưa nay ngọt, bất chợt biến thành mặn không có một tín hiệu nào dự báo. Gà Mái ôm xác con, khóc không bật thành tiếng. Trách trời hay oán người?
“Môi trường sống cũ đã khác thì sinh vật cũ chẳng thể một sớm một chiều có thể kịp thích nghi; phải đợi một trăm năm hoặc hằng bao thế kỷ nữa, họa may mới nảy sinh lớp chúng sinh khác thích nghi và thích hợp”, Mái nghĩ vậy, nên vội gom bầy con còn sống sót, dắt díu nhau ra đi tìm đất sống.
Được tin dữ, Cóc nhảy khỏi hang, bươn mình rượt theo Mái.
- Thời tiết nay vầy mai khác. Chỉ là, sớm nắng chiều mưa. Chẳng lẽ, thằng cháu của Cóc không thương xót những gì của nó tạo ra?
Cóc tin Trời như tin chính mình. Thương Mái có Trống cũng như không, một thân vượt cạn, một mình dắt bầy con đi vào đất lạ mưu sinh. Cóc chẳng đành.
- Thôi, quay lại đi Mái. Có phúc có phần. Sẽ là ‘’hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai’’.
Cóc lẽo đẽo theo sau Mái, vừa đi vừa khuyên nhủ.
Tấm chân tình của Cóc mần sao Mái không cảm động nhưng giữa sống và chết, ai chọn chết? Mái đối đầu và chiến thắng kẻ thù hữu hình vì Mái giải mã được quy luật của nó. Với kẻ thù vô hình đột biến từ thiên nhiên, do con người thọc gậy, Mái mù tịt, hoàn toàn không biết và không hiểu! Mái dắt con bỏ đi là thượng sách trong các sách!
*
Từ ngày Mái gả con cho Trống Rừng, bầy gà được quyền mở rộng địa hạt sinh sống trên vùng đất mới. Nhiều đêm, Mái vẩn vơ suy nghĩ về Cóc, không biết Cóc sống chết thế nào? Nhớ buổi chiều chia tay, sau khi Cóc không thuyết phục được Mái ở lại đất cũ đã nhiễm và ngập mặn. Cóc nói cầu âu, vớt vát:
- Cõi thế gian, thiên hạ nói rằng: Cóc là cậu của Trời! Thôi, để ta nghiến răng... Trời nghe tiếng nghiến răng của cậu chắc là Trời phải mưa!
Không gian buổi chiều hôm đó, hình như buồn bã lắm! Cóc nói to, cố giấu nỗi buồn và cố thêm niềm tin cho Mái.
- Mưa của Trời sẽ đẩy lùi nước mặn và rửa sạch mặn. Rồi, đất sẽ trầm mình vào nước ngọt tựa thuở nào!
Lời Cóc là lời nói thiệt, xuất phát từ lòng cả tin.
Mái tức mình sao nỡ buông lời lẽ ra không nên nói với Cóc lúc xa nhau:
- Tin chắc đã có. Có chắc đã tin. Trời hành xử theo luật nhân - quả, không thiên vị thân sơ. Dẫu rằng, Cóc nghiến gãy cả đôi hàm răng, Trời chắc đã mưa!?
Miền Tây đất khô hạn và nhiễm mặn, tháng 2-2016.
TRẦN BẢO ĐỊNH