Trời mưa đất chịu

Hàng chục năm trước TPHCM đã nhìn thấy hệ lụy của việc ngập nước. Do vậy, nhiều dự án chống ngập với chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng được thông qua để giải quyết tình trạng trên. Đã có một thời gian tại TP, người đi đường, các hộ dân ở mặt tiền đường phải chịu nhiều thiệt thòi khi sống chung với lô cốt. Bù đắp sự hy sinh này, hàng trăm kilômét đường phố được xới tung lên để lắp cống làm hệ thống thoát nước mới hơn, lớn hơn. Đến nay, không thể phủ nhận những cố gắng của các đơn vị chức năng đã xây dựng cơ bản hệ thống thoát nước to hơn, đồ sộ hơn. Có người còn ví sự đồ sộ đó rằng: ô tô có thể chạy được dưới những đường cống ấy. Tuy nhiên, không ai có thể quên những cơn mưa đầu mùa vừa qua, vì tình trạng ngập ở những điểm cũ đã có cống mới vẫn không giảm. Thậm chí có phần căng thẳng hơn như ở những khu vực bùng binh Cây Gõ, Phú Lâm, Hồng Bàng, Châu Văn Liêm (quận 5, 6), các tuyến đường Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen (quận Tân Bình, Tân Phú), Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)…

Điều khó hiểu này, theo lý giải của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM, các dự án quy mô lớn như những giải pháp đột phá để chống ngập chưa đạt tiến độ về thời gian và khối lượng. Song song đó, việc tổ chức thi công còn nhiều khiếm khuyết làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Tức đã hoàn thành trục chính nhưng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước hiện hữu, nên gây bít dòng chảy, cửa xả... Hệ thống thoát nước thường xuyên bị quá tải do thiết kế, xây lắp và quản lý thiếu đồng bộ. Trong khi nhiều tuyến kênh rạch thoát nước quan trọng bị lấn chiếm làm chặn hướng thoát nước… Nếu xét hiệu quả sử dụng đồng vốn bỏ ra đầu tư hệ thống thoát nước từ cả chục năm nay, nhiều người không khỏi lo lắng. Bởi chờ đến khi có hệ thống đồng bộ, liệu những công trình làm trước có còn phát huy tác dụng? Và chuyện xưa như trái đất, nước luôn chảy về chỗ trũng, nhưng kênh rạch tiêu thoát chính bị lấn chiếm, lòng kênh lại cao hơn cống nên thay vì thoát, nước thải trào lên đường, người dân đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm để xảy ra việc “tréo cẳng ngỗng” này? Đáng lo ngại hơn, theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM, tình trạng cống thoát nước bị quá tải do lượng mưa hiện nay đã vượt hơn tần suất tính toán trong thiết kế hệ thống thoát nước. Do vậy, nếu không tiếp tục có những dự án “quản lý” nước mưa thì “trời mưa đất vẫn chịu” cho dù các dự án thoát nước lớn hoàn thành trong thời gian tới.

Trong quá trình phát triển đô thị, việc chịu nhiều áp lực do di dân cơ học đè nặng lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật là điều không tránh khỏi. Nhưng việc sử dụng tiền thuế của dân để giải quyết sự bất cập này nhất thiết phải mang lại hiệu quả, lợi ích cho người dân.

Lộc Nam

Tin cùng chuyên mục