Giữa năm 2009, vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) trở thành thành viên Câu lạc bộ Vịnh đẹp thế giới, mở ra triển vọng lớn về khai thác thế mạnh du lịch biển phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, tạo động lực đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Thế nhưng...
Băm nát bờ biển
Chạy dọc theo con đường ven biển từ thị trấn Lăng Cô đến xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) dài hơn 10km, cảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng chục đồi cát ven biển bị san phẳng, thảm thực vật bị cạo trọc, trơ ra những gốc cây đen xì. Thay vào đó là những hố sâu hơn 2m, rộng hàng chục mét vuông xuất hiện nhan nhản.
Bà Lê Thị Diễn, nhà nằm sát tuyến đường Chân Mây - Lăng Cô, cho biết: Những hố sâu hoắm này là do xe tải vào đây khai thác cát trộm bán cho những công trình cần san lấp mặt bằng trong khu vực. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu. Lúc trước, khu vực này là những đồi dẻ, những bụi cây um tùm, chắn gió, chắn cát cho dân chúng tôi nhưng từ khi bị “cạo trọc” thì khi có gió lớn, cát bay mù mịt vào cả nhà dân.
Ở khu rừng dẻ nguyên sinh một thời bạt ngàn ven biển thuộc xã Lộc Vĩnh, “cát tặc” ngang nhiên mở đường thẳng tiến ra phía biển để đào cát. Nghiêm trọng nhất là khu vực cuối đường Nguyễn Văn Đạt mở ra bờ vịnh Lăng Cô, tình trạng khai thác cát diễn ra từ nhiều năm nay. Các doanh nghiệp xây dựng huy động cả máy xúc, máy ủi xẻ nát đồi cát và cây rừng tự nhiên để lấy đất san lấp. Hàng nghìn khối đất cát bị lấy đi làm tăng nguy cơ xâm thực biển vào tận đường phố.
Theo người dân ở đây, những ngày triều cường sóng to, nước biển mang theo vô số rác rưởi vào tận đường này. Hay tại khu mặt bằng bờ biển được giao thực hiện dự án du lịch Lăng Cô Spa Resort, từ hơn một năm qua, hệ thống rào chắn bằng tôn kẽm bị phá bỏ toàn bộ. “Cát tặc” các nơi nhân lúc chủ đầu tư bỏ bê mặt bằng công trình đã huy động nhiều xe tải, phương tiện kéo đến khai thác đất san lấp một cách vô tội vạ.
Tình trạng “băm nát” bờ biển không chỉ diễn ra tại Lăng Cô, Lộc Vĩnh mà còn lấn sang cả khu Mũi Doi, đầm Lập An. Hàng chục ngôi nhà dân ở vùng giải tỏa đầm Lập An sát chân đèo Phú Gia đang xây mới cũng được san lấp bằng nguồn cát khai thác trái phép quanh khu vực.
Hậu quả khó lường
Chính tình trạng khai thác vô tội vạ này đã làm cho dải bờ biển Chân Mây - Lăng Cô bị biến dạng nghiêm trọng. Nhiều nơi không còn đụn cát nên tình trạng cát bay, cát nhảy “tấn công” các hộ dân là chuyện thường xảy ra. Đường bờ biển bị biến dạng, xâm thực, tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng các khu dân cư, đất sản xuất bên trong. Và quan trọng hơn là Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô sẽ bị xâm hại lớn bởi tác động thiên nhiên khi không còn những lá chắn như trên.
Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết, tình trạng vi phạm về khai thác đất san lấp ven biển diễn ra lâu nay nhưng do xảy ra chủ yếu vào các ngày nghỉ và ban đêm nên chính quyền rất khó xử lý (!?).
Ông Giảng còn cho rằng, do các khu vực khai thác cát trái phép là đất đã giao cho các nhà đầu tư du lịch, chính quyền rất khó quản lý. Thời gian đầu họ còn lập hàng rào khoanh vùng lô đất, cho người đến bảo vệ nhưng sau này thì thả nổi. Thậm chí, họ còn “ngấm ngầm” cho các đơn vị san lấp vào đây khai thác cát làm vật liệu. Chính quyền đã kiến nghị doanh nghiệp du lịch phối hợp quản lý đất đai, sử dụng đất đúng mục đích được giao nhưng chưa có kết quả.
Còn ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho rằng, xã đã giao thôn quản lý; nếu có tình trạng khai thác này là do một số người dân lén lút đào trộm đi bán.
Ngày 19-3, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cho rằng: Diện tích đất ven biển Chân Mây - Lăng Cô hầu hết đã giao cho chủ đầu tư. Việc chậm triển khai dự án, thiếu quản lý nên đã để xảy ra tình trạng trộm cát trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng xử lý thì ông Nguyên tránh không trả lời.
Hậu quả về mặt môi trường đã thấy rõ nhưng điều đáng lo hơn cả là những công ước mà chính quyền, ngành chức năng Thừa Thiên - Huế ký với Câu lạc bộ Vịnh đẹp nhất thế giới không được thực hiện nghiêm túc.
Liệu rằng, Lăng Cô có còn giữ được danh hiệu “Vịnh đẹp nhất thế giới” nữa hay không? Câu trả lời này tùy thuộc vào sự kiên quyết trong hướng giải quyết của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
NGUYỄN HÙNG