Trộm cát lộng hành trên sông Tiền

Liên tục mấy tháng qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp diễn ra rầm rộ như chốn không người, gây lo lắng cho cư dân địa phương vốn nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm về sạt lở. Không chịu nổi mối đe dọa, nhiều người dân vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cùng nhau vây bắt cát tặc… và đã xảy ra nhiều cuộc hỗn chiến trên sông.
Trộm cát lộng hành trên sông Tiền

Liên tục mấy tháng qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp diễn ra rầm rộ như chốn không người, gây lo lắng cho cư dân địa phương vốn nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm về sạt lở. Không chịu nổi mối đe dọa, nhiều người dân vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cùng nhau vây bắt cát tặc… và đã xảy ra nhiều cuộc hỗn chiến trên sông.

  • Hỗn chiến trên sông

Tuyến sông Tiền đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 100km, có 27 mỏ cát được cấp phép hoạt động với 53 phương tiện đăng ký khai thác. Tuy nhiên, thống kê của ngành chức năng, hiện có khoảng 190 phương tiện hoạt động bơm, hút cát trái phép, trong đó 10 sà lan có trọng tải từ 100 - 450 tấn, 50 ghe sắt có tải trọng từ 50 - 150 tấn, ghe gỗ có tải trọng từ 15 - 80 tấn hoạt động. Không chịu nổi sự đe dọa của dân khai thác cát bừa bãi, đêm 11-9, hàng chục người dân ấp Phú Lợi, xã Phú Thuận B (cù lao Long Phú Thuận), huyện Hồng Ngự kéo đến công an xã yêu cầu cử người cùng bắt một sà lan hút cát lậu.

Nhiều người dân phản ánh: “Từ khoảng 20 giờ đến 5 giờ sáng mỗi đêm, hàng chục sà lan, ghe tàu lớn nhỏ giăng hàng khoảng 2 cây số thi nhau hút cát. Khu vực này có mỏ cát lớn, được cấp phép cho các đơn vị trúng thầu khai thác, nhưng bắt buộc phải cách bờ từ 150m trở ra. Riêng dân cát lậu thì làm vô tội vạ, cứ đâm “vòi” vào hút sát bờ (để thu được cát vàng có giá trị cao), nhiều lúc cách bờ chưa tới 10m. Tiếng gầm rú thâu đêm từ hàng chục sà lan, ghe tàu hút cát lậu là nỗi ám ảnh của người dân xứ cù lao. Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, nhiều hộ dân không còn đất để dời nhà cửa vì sạt lở.

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Ông Nguyễn Văn Hiền (59 tuổi) có mặt trong đợt tập kích đêm 11-9 nói: “Lần này có lực lượng công an nên những người trên sà lan cát lậu không dám manh động. Kết quả, sà lan biển số ĐT-19504, tải trọng khoảng 300 tấn, do ông Trần Văn Liệt làm chủ đã bị đưa về xã”.

Nhưng ngay đêm sau, các sà lan vẫn ngang nhiên lại đây hút cát. Khoảng 22 giờ đêm 19-9, khoảng 10 người dân yêu cầu Công an xã Phú Thuận B đến khu vực bến đò Mười Đẩu để bắt cát lậu. Công an xã cử 2 công an viên đi cùng. Tới nơi, người dân mượn chiếc phà sắt Mười Đẩu, tải trọng 30 tấn chở gần 20 người, với sự hậu thuẫn của hàng trăm người dân trên bờ, “tập kích” một sà lan đang hút cát. Khi phà vừa ra sông lập tức bị một tàu của phe cát lậu cản mũi. Đến khi phà tiếp cận được 1 sà lan, lực lượng trên phà khống chế được tài công thì bất ngờ một sà lan khác rất lớn lao tới đâm mạnh chiếc phà làm nhiều người té nhào. Lực lượng công an phải nổ súng chỉ thiên, tài công mới điều khiển chiếc sà lan kia bỏ đi. Người dân ở đây cũng khó hiểu về động thái cũng như hành động chậm trễ của một số công an viên và lãnh đạo Công an xã Phú Thuận B trong việc bắt cát lậu.

  • Truy quét không xuể?

Từ cuối tháng 8 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Đồng Tháp đã bắt quả tang 21 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Tiền, tịch thu một số dụng cụ, phương tiện bơm hút cát tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng; chuyển ngành chức năng ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các địa phương, hiện nay, tình hình khai thác cát lậu trên sông Tiền đang diễn biến rất phức tạp, được tổ chức quy mô rộng khắp. Có nhiều trường hợp các đối tượng khai thác cát lậu sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.

Được biết, ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, những năm qua, các hoạt động mua bán cát trên sông Tiền được thực hiện theo một quy trình khép kín, do một người đàn ông tên Y (khoảng 40 tuổi) thao túng. Hàng ngày, ông Y lái ca nô lượn trên sông Tiền để nắm tình hình. Các doanh nghiệp, cá nhân muốn mua hay khai thác cát trên sông Tiền tại khu vực này phải thông qua ông Y.

Tại cuộc họp khẩn mới đây do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức về tình hình quản lý và khai thác cát trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Nếu phát hiện, bắt giữ được các phương tiện khai thác cát lậu thì tịch thu; nếu có cán bộ bao che thì báo cáo, UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm”.

Thực hiện chỉ đạo, Công an tỉnh Đồng Tháp đã lập kế hoạch đặc biệt xử lý triệt để tình trạng khai thác cát lậu. Từ đây, chân dung các ông trùm khai thác cát lậu dần lộ diện. Kết quả, từ ngày 5-10 đến ngày 18-10, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ 13 phương tiện, với 30 đối tượng có liên quan thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép; tạm giữ nhiều phương tiện xáng cạp cùng các tang vật có liên quan.

Điển hình, vào tối ngày 18-10, lực lượng chức năng Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt quả tang 3 sà lan (có trọng tải 150 tấn) đang khai thác trái phép tại khu vực ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Tại lúc bị bắt giữ, các phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác cát; hoạt động quá thời gian quy định. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, 3 sà lan trên khai thác cát theo hợp đồng với Công ty TNHH Ngự Bình hoạt động trong lĩnh vực mua bán vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng (có trụ sở tại huyện Hồng Ngự) do Dương Tấn Quốc làm giám đốc.

Ngày 24-10, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt khẩn cấp 3 đối tượng, gồm: Dương Tấn Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Ngự Bình), Phạm Văn Danh (nhân viên công ty) và Nguyễn Văn Mươn để làm rõ về hành vi trốn thuế. Củng cố hồ sơ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Tấn Quốc và Nguyễn Văn Mươn để điều tra về hành vi khai thác trái phép tài nguyên. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phan Thanh Dân (Phó giám đốc công ty) và Lương Công Thành (kế toán trưởng) để phục vụ công tác điều tra cùng về hành vi trên.

Kết quả xác minh ban đầu, từ tháng 10-2011 đến nay, Dương Tấn Quốc đã chỉ đạo cấp dưới khai thác cát trái phép trên sông Tiền để bán lại cho các doanh nghiệp, trục lợi bất chính…  

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục