Trọn lời thề giữ biển

Trọn lời thề giữ biển

Đã tròn 52 năm kể từ lần đầu tiên Bác về thăm, với thế hệ cán bộ chiến sĩ hải quân ngày nay, lời Bác dạy năm nào: “Bờ biển của ta có vị trí quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề và rất vẻ vang” càng thêm sâu sắc. Khắc ghi lời dạy ấy, những người lính hải quân luôn trọn lời thề giữ biển.

Sau 2 tháng thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, ngày 20-3-1959, cán bộ, chiến sĩ Trường Phòng thủ bờ biển và xưởng 46 - lớp đầu tiên xây dựng Hải quân Việt Nam - vinh dự được Bác về thăm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày 20-3-1959. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày 20-3-1959. Ảnh tư liệu


 
Hôm đó, chiếc tàu 524 thuộc Đại đội 3 đưa Bác và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. Đến đảo Hòn Rồng, trước niềm vui bất ngờ của cán bộ chiến sĩ Đại đội 34, với giọng ân cần Bác nói: “Bác và anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ ra thăm các chú”.

Không chờ đơn vị báo cáo tình hình, Bác hỏi ngay: “Các chú thiếu nước ngọt và sách báo phải không?”. Rồi Bác quay sang nói với một cán bộ Tổng cục Hậu cần lưu ý giải quyết để anh em mỗi tuần được tắm nước ngọt 2 lần… Sau khi xem nơi ăn chốn ở, sinh hoạt, Bác mới quay về sân doanh trại nói chuyện với đơn vị.

Thật bất ngờ khi Bác lại hỏi: “Các chú chưa có đài nghe tin tức phải không, Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc”. Mấy ngày sau, đơn vị nhận được điện của Phủ Chủ tịch mời lên nhận đài của Bác tặng.

Lần về thăm đảo Vạn Hoa xa xôi trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, đứng trên đảo nhìn sang phía Cửa Mô trước mặt, Bác đã kể cho cán bộ, chiến sĩ nghe về Trần Khánh Dư - một danh tướng thời Trần dùng mưu đánh chiếm đoàn thuyền tiếp lương của quân Nguyên sang xâm lược nước ta, rồi nhắc nhở: “Hải quân phải ra sức phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, phải biết tìm cách đánh sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị sẵn có”.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của người lính làm nhiệm vụ trên con tàu, ngoài hải đảo, Bác khuyên: “Là chiến sĩ hải quân các chú phải yêu quý đảo như yêu quý nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp có lợi cho mình lại có lợi cho đất nước…”.

Trên con tàu hành trình ra vùng biển Đông Bắc qua dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Bác xúc động nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên”.

Còn tại hang Đầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Đạo dựng công trường làm cọc để cắm trên sông Bạch Đằng đánh tan giặc Nguyên Mông, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Những lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác trở thành nhiệm vụ, phương châm xây dựng lực lượng hải quân ngày một trưởng thành nhất là những cán bộ - chiến sĩ đang vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục