Trọn tình với đồng đội, trọn nghĩa với nhân dân

Bến cảng giữa rừng
Trọn tình với đồng đội, trọn nghĩa với nhân dân

Gặp Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 lần đầu, chắc khó có ai quên được cái dáng cao gầy, thư sinh. Ở tuổi 75, ông khoan thai và điềm đạm, cẩn trọng từng lời, chưa bao giờ thấy ông tỏ ra vội vã. Ông chính là “pho sử sống” của đường Hồ Chí Minh trên biển, người âm thầm góp nhặt từng trang tài liệu, viết nên câu chuyện anh hùng cho nhân dân và đồng đội.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy (giữa) và đồng đội tại tượng đài Vàm Lũng (Cà Mau) trong đêm truyền hình trực tiếp 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển do Báo SGGP, Báo QĐND và HTV tổ chức. Ảnh: T.M.T.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy (giữa) và đồng đội tại tượng đài Vàm Lũng (Cà Mau) trong đêm truyền hình trực tiếp 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển do Báo SGGP, Báo QĐND và HTV tổ chức. Ảnh: T.M.T.

Bến cảng giữa rừng

Đó là tên một trường ca ông đã viết về những bến tiếp nhận vũ khí năm xưa, cho nên thoáng nhìn thấy bóng ông từ bến tàu bước lên, người dân Rạch Gốc ùa ra, tay bắt mặt mừng “Chú Bảy kìa, chú Bảy về kìa…”.

50 năm trước, cũng nơi này, có lẽ những người dân từng cưu mang ông và đồng đội cũng tay bắt mặt mừng như vậy mỗi lần gặp nhau. Có người bảo rằng, nếu không có tấm lòng bà con ở bến, sẽ không có đoàn tàu không số chứ đừng nói đến việc lập chiến công, viết nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Nhớ lại những ngày chỉ huy “Đoàn 759” đóng tại Tân Ân, Rạch Gốc, Đại tá Khưu Ngọc Bảy bùi ngùi: “Bà con tốt đến lạ lùng!”. Ông kể, trong những năm chiến tranh, cán bộ và quần chúng trong xã Tân Ân cũng có người bị địch bắt, chúng dùng mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn dã man nhưng các đồng chí và quần chúng không một lời khai báo. Phải nói nhân dân ở đây rất chung thủy, đùm bọc, chở che cách mạng.

Đại tá Bảy cho biết, tổng kho vũ khí ở Ngọc Hiển lúc bấy giờ rộng bao la, vũ khí có lúc hơn 1.000 tấn, được chia 5-7 tấn/kho nhỏ, nhưng không hề có một cọng dây kẽm gai làm hàng rào. Tất cả đều xếp theo “kỹ thuật” của người dân rừng đước, không nền móng nhưng không lún, phủ cây rừng ngụy trang. Vậy mà tuyệt nhiên người dân không ai bén mảng cho dù chỉ có hơn chục chiến sĩ trông coi, và ở đó, dù cua, tôm, cá ê hề.

Tháng 6-1962, Khu ủy họp và quyết định chọn mở bến ven bờ ở Cà Mau làm điểm tập kết vũ khí, bởi điều kiện thuận lợi hơn. Theo đó, lấy từ phía Nam sông Gành Hào kéo dài tới Khai Long, cửa Bồ Đề, cửa Rạch Gốc thì rộng hơn chục ngàn hécta với hơn chục cửa sông, cửa biển.

Vấn đề là phải di dời 1.000 dân do không sống tập trung mà sống rải rác. “Muốn được như vậy, trước hết phải làm công tác tư tưởng để người dân tự giác di dời ra khỏi nơi quy định để làm tổng kho. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề. Công tác giáo dục chính trị rất tế nhị. Phải nói thế nào, làm thế nào cho dân hiểu, không lộ bí mật, đồng thời đảm bảo cuộc sống của họ không bị xáo trộn. Công việc này phải hoàn thành trong thời gian ngắn và phải đạt yêu cầu chỉ đạo của Khu ủy và Tỉnh ủy”, Đại tá Bảy nhớ lại.

Vậy là nhân dân các khu vực quy định đã tự giác di dời theo yêu cầu của cách mạng. Việc di dời dân để làm kho tàng, bến bãi để tập kết vũ khí từ Bắc chuyển vào đã hoàn thành trong vòng ba tháng (từ tháng 7 đến tháng 9-1962).

“Nhiều bà con đã hy sinh quyền lợi cá nhân vì cuộc kháng chiến của dân tộc. Như những người làm nghề đóng đáy chẳng hạn. Mỗi lần kéo đáy họ có vài trăm ký tôm, thế nhưng khi di dời đi nơi khác họ đành phải bỏ cả nghề, thay vào đó là kéo vó, mỗi lần chỉ vài ba con tôm cá”, ông Bảy nói.

Tổng kho này cách chi khu Năm Căn của địch theo đường chim bay không quá 10km. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt như thế mà một bến cảng, một tổng kho vũ khí vẫn tồn tại, không bị địch phát hiện, thật là điều kỳ diệu. Có thể có nhiều cách giải thích, nhưng cách giải thích đúng nhất, hợp với lòng người nhất, theo ông Bảy: “Không có sự chở che đùm bọc của nhân dân, sẽ không có điều kỳ diệu ấy”.

Âm thầm vì đồng đội

Sau ngày thống nhất đất nước, Đại tá Khưu Ngọc Bảy đổi căn nhà mặt tiền trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) do đơn vị cấp, vào ở sâu trong một con hẻm nhỏ. Cuộc đời binh nghiệp của ông cũng có lúc gặp chút trắc trở (do ông mang họ Khưu) nhưng ông không nề hà. “Miễn mình còn sống và làm việc phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là vui rồi, biết bao người đã hy sinh”.

Hỏi về ông, chỉ nghe ông nói về đồng đội, về các bến tiếp nhận vũ khí ở Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, về những người vượt biển chở vũ khí trên những con tàu thô sơ; còn về mình, ông tuyệt nhiên không nói một lời.

Ông vui cười cho biết: “Đợt kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển này, các bến tiếp nhận vũ khí năm xưa của Đoàn 962 đang được làm hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là cách nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng công lao của bến, sự hy sinh anh dũng của biết bao người dân từng đùm bọc, chở che cách mạng”.

Bây giờ, ông nhận “trọng trách” là Phó Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển kiêm Bí thư chi bộ khu vực nơi ông đang sống. Mỗi tháng dăm lần ông quảy giỏ đi. Khi sang Bến Tre, lúc về Cà Mau lo thủ tục xin kinh phí xây nhà tình nghĩa cho đồng đội.

“Năm ngoái, Ban liên lạc hội lo được khoảng 30 căn nhà tình nghĩa cho anh em ở Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau) vậy mà vẫn còn có đứa không có đất để cất nhà, cháu à, mà đất rừng ở biển chứ có phải đất ở đô thị đâu!”, ông rơm rớm nước mắt. Vậy là ông phải nhờ chính quyền địa phương tìm cho các đồng đội của mình một xẻo đất rừng nào đó để dựng mái nhà. Ông nói, trong số hộ nghèo của các cựu chiến binh Đoàn 962 còn nhiều người đang sống trong những căn nhà tạm, sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật mà ông và nhiều đồng đội của ông chưa lo hết được.

“Nói về quá khứ bao nhiêu, chúng tôi càng thấy mình có trách nhiệm với hiện tại bấy nhiêu”, ông Bảy tâm sự. Ông cho rằng không nên phân biệt chuyện bến này tiếp nhận ít, bến kia tiếp nhận nhiều… vì đó là do điều kiện tự nhiên, còn ở đâu, gian khổ, khốc liệt, sức sáng tạo và ý chí anh hùng cũng như nhau. Đặc biệt, ông rất phản ứng với một số phim tài liệu về đường Hồ Chí Minh trên biển hiện nay nói rằng, trước khi lên tàu chở vũ khí vào Nam, phải làm lễ “tế sống” cán bộ chiến sĩ trên tàu, như vậy là phỉ báng lịch sử.

Trước khi chia tay, ông bồi hồi: “Sau ngày giải phóng miền Nam, những người con của bến đã ra đi làm nhiệm vụ mới. Thế nhưng, tấm lòng và tình yêu vẫn để lại với đồng bào và với biển, với rừng. Vì nơi ấy chính là cội nguồn sức mạnh của những người mở bến và những cán bộ, chiến sĩ quả cảm của đoàn tàu “không số”.

Xin đọc mấy dòng thơ thốt ra từ trái tim tôi:

Hai mươi năm sau tôi về Rạch Gốc

Bến cũ, người xưa thay đổi nhiều rồi

Chỉ còn lại tình thương và ánh mắt

Vẫn trong ngần như màu nắng quanh tôi

Biển dâng đầy rồi biển lại vơi

Đất trôi lở - đất lại bồi thêm bãi

Đồng đội ơi Rạch Gốc còn đợi đấy

Dù đi đâu xin một chuyến quay về”.

Trần Minh Trường


Trà Vinh kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Ngày 14-10, tại Khu di tích lịch sử bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Ban tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Trà Vinh cùng Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị Quân khu 9, Hội Cựu chiến binh TPHCM tổ chức mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong 14 năm (1961 – 1975), bằng ý chí, lòng quả cảm và được nhân dân che chở, những chiến sĩ của đoàn tàu không số đã vận hành 1.789 chuyến tàu, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí và 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 400 quả ngư lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu trên 300 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn cháy nhiều tàu thuyền địch…

Nhân dịp này, các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa đã được triển khai như khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân địa phương, xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa (60 triệu đồng/căn), xây 2 căn nhà tình thương (25 triệu đồng/căn), tặng 6 sổ tiết kiệm, trao 7 suất học bổng với tổng số tiền 17,5 triệu đồng… cho gia đình và con em các cựu chiến binh đoàn tàu không số.

Đ.Cảnh

Thông tin liên quan

- Bến cảng lòng dân

- Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” tại Hà Nội

- Người hai lần từ chối danh hiệu anh hùng

- Tìm về Vàm Lũng

- Cuộc chiến chống thủy lôi

- Con tàu huyền thoại

- Cảm tử quân mang tên T165

- Những anh hùng chưa được phong tặng

- Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau 

Tin cùng chuyên mục