Trốn vé và chuyện phạt

Chiếc thẻ Oyster nhỏ xinh bán ở cửa hàng tạp hóa, tiệm sách báo khắp London hóa ra là thứ khiến người nước ngoài vào Anh nhớ lâu nhất. 

Tom - một người Bỉ thỉnh thoảng sang Anh xem các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn cho biết: “Mới nạp một món tiền kha khá, vừa đi được vài chuyến, cho thẻ Oyster vào máy kiểm tra ở nhà ga đã bíp ầm ĩ, tức thẻ đã hết hiệu lực và phải nạp thêm tiền”.

Đang quen ở Pháp, Tây Ban Nha nhảy tàu điện ngầm chỉ từ 1,6- 2 EUR/lượt, tôi giật mình khi thẻ Oyster vừa nạp 10 bảng, chỉ nhảy một lượt buýt, thêm một lượt đi quãng ngắn tàu điện ngầm đã nghe bíp bíp bíp.

Thế mới có chuyện nhiều người cố tình trốn vé. Mức phạt ngành giao thông công cộng đưa ra rất rõ ràng và khá tương đồng tại nhiều nước châu Âu. Trên tàu điện ngầm từ ngoại ô London vào trung tâm, tôi thấy tấm bảng khá to dán ngay trên đầu “Nếu quý khách không trình được vé, các loại thẻ thông minh còn hiệu lực hoặc giấy sử dụng phương tiện giao thông có giá trị khác, mức phạt là 80 bảng”. Mức phạt trốn vé tàu điện ngầm tại Barcelona là 100 EUR, tại Bỉ từ 60 - 75 EUR.

Khi đi buýt ở thành phố Lucern (Thụy Sĩ), cô bạn dặn đi dặn lại tôi “nhớ quẹt thẻ vào máy ngay khi lên xe nhé. Bất thình lình thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông ập lên xe đấy. Họ chia ra người đứng phía trên, người chặn phía dưới, cửa trước và cửa sau xe buýt đều đóng lại. Lúc đó có muốn lao lên máy quẹt thẻ ở giữa xe hoặc giả vờ xuống bến cũng không kịp nữa đâu”.

Nhưng luật phạt, cách phạt cũng chứa đựng cả tính xã hội, có lý và tình trong đó. Nhiều lần ngồi xe buýt ở Bỉ, tôi chứng kiến các thanh tra giao thông chỉ mỉm cười cầm thẻ (mua cả năm với giá ưu đãi) của những người cao tuổi quẹt vào máy soát vé: “Lần sau cụ đừng quên quẹt thẻ nhé. Tay run quá thì nhờ người khác giúp”.

Trên tàu, một phụ nữ nhập cư hốt hoảng: “Tôi đẩy xe nôi ra đến ga cũng vừa giờ tàu đến, không kịp mua vé ở máy tự động, con lại quấy khóc quá. Bây giờ cho tôi mua được không?”. “Được chứ, mời bà”. Trên chuyến tàu sớm từ Liverpool đi Carlisle (Anh), tôi thấy nhiều gương mặt hành khách còn đầy vẻ ngái ngủ. Họ từ các ga xép nhỏ nhảy vội lên tàu, rào rào mở ví, nhân viên soát vé tóc màu khói đã chờ sẵn trong toa, chiếc máy bán vé tự động trên tay ông sột soạt tuôn ra từng dòng vé giấy.

Một sinh viên gốc Việt bên Pháp kể có lần cô lên xe buýt, quẹt vé đàng hoàng rồi, xuống ghế ngồi vẫn cẩn thận kiểm tra lại, phát hiện vé không bị trừ tiền. Cô mang vé lên chỗ tài xế nhờ ông ta quẹt lại, bị lái xe nhìn bằng ánh mắt rất lạ. “Nhiều khi tình ngay lý gian như thế đó. Nhưng vẫn phải lên nhờ quẹt lại cho chắc. Em đã tận mắt thấy một bạn sinh viên mua vé nhiều lượt, lên tàu cứ mải tám chuyện với bạn, quên không điền vào vé, họ gửi luôn cho cái giấy phạt 180 EUR. Em nghĩ người ta xét phạt theo trường hợp và phạt nặng về ý thức”.

Gần đây, tôi cũng tình cờ đọc được một chia sẻ trên trang web của cộng đồng du học sinh, thấm thía: “Các bạn đừng tiếc vài đồng vé nhé. Hậu quả có khi nặng nề hơn cả tấm vé phạt. Mình vừa đọc bài báo nhắc đến một du học sinh vào châu Âu, tốt nghiệp loại giỏi, được vài nơi muốn nhận vào làm việc. Nhưng rồi họ từ chối vì lý do kiểm tra lý lịch, hồ sơ nơi cư trú ghi rõ đã vài lần trốn vé xe buýt đấy”.

Tin cùng chuyên mục