Trong lúc tiến trình hòa bình Trung Đông tưởng chừng bế tắc thì ngày 27-4, hai phái chính trị đối lập lớn nhất Palestine là Phong trào Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas đã ký một thỏa thuận hòa giải dân tộc sơ bộ tại thủ đô Cairo của Ai Cập.
Theo hãng tin MENA, thỏa thuận bao gồm sự nhất trí về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp và tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Cụ thể, một chính phủ chuyển tiếp sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề đối nội, trong khi Ủy ban lâm thời của các phe phái tại Palestine sẽ phụ trách chính sách đối ngoại.
Thỏa thuận quan trọng giữa hai phái chính trị lớn nhất Palestine đạt được trong bối cảnh chính quyền Palestine đang thất vọng trước việc Israel vẫn không ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem – nguyên nhân khiến Palestine hủy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên vào tháng 10 năm ngoái, chỉ một tháng sau khi nó được khởi động tại Washington.
Trong khi người dân Palestine tại Dải Gaza và Bờ Tây vui mừng hân hoan trước cái bắt tay của hai đảng phái đối địch, thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngay lập tức đưa ra những lời đe dọa. Ông tuyên bố “Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phải lựa chọn hòa bình với Israel hay hòa bình với Hamas, vì một thỏa thuận như vậy sẽ mở đường cho Hamas phá hủy Nhà nước Israel khi lực lượng này kiểm soát được Khu Bờ Tây”.
Tuy nhiên, chính quyền Palestine đã lựa chọn cách “đối thoại hòa bình với Hamas và đàm phán bình đẳng với Israel”. Tổng thống Abbas khẳng định, Phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như các phái chính trị khác, là một bộ phận của Palestine thống nhất và thỏa thuận hòa giải này là công việc nội bộ của Palestine. Ông yêu cầu chính quyền Israel lựa chọn giữa hòa bình với Palestine hay các khu định cư Do Thái.
Trước thái độ bảo thủ của Israel, hơn bao giờ hết, đã đến lúc người Palestine quyết định đi theo con đường riêng của mình. Thỏa thuận cho thấy được nỗ lực đoàn kết của các đảng phái chính trị tại Palestine, bỏ qua một bên các lợi ích cá nhân để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho một nhà nước Palestine được công nhận tại LHQ vào tháng 9 tới, mà không cần đạt được các thỏa thuận với Israel.
Thỏa thuận này không chỉ tạo cơ hội cho việc phục hồi đoàn kết Palestine mà còn là nền tảng quan trọng để tiến hành thống nhất quốc gia, giúp nhân dân Palestine quyết định số phận của mình và thành lập một nhà nước độc lập.
Tuy nhiên, trong khi người dân Palestine đang chờ đợi cái mà họ gọi là “Sự kiện tháng 9” – ám chỉ thời điểm mà Tổng thống Obama cam kết “Palestine sẽ trở thành một thành viên đầy đủ tại Hội đồng Bảo an LHQ”, thì báo New York của Mỹ ngày 27-4 tiết lộ, Tổng thống Obama đang chuẩn bị công bố sáng kiến mới liên quan đến hòa bình Trung Đông. Sáng kiến này gồm 4 điểm chính: Israel chấp nhận một nhà nước Palestine độc lập trên phần lãnh thổ mà họ chiếm đóng năm 1967, Jerusalem là thủ đô chung của 2 quốc gia, bảo đảm an ninh cho Israel và người Palestine tị nạn từ bỏ quyền hồi hương.
Từ đây cho đến thời điểm đó, chắc chắn sẽ có thêm nhiều “sáng kiến” mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Song, cho dù phía trước vẫn còn nhiều thế lực cản trở, một khi mà nội bộ Palestine xóa được bất đồng và ổn định (dù mới chỉ là sơ bộ) thì tiến trình hòa bình Trung Đông cũng có thể hy vọng sẽ có thêm nhiều bước tiến khả quan.
Xuân Hạnh