Trồng hoa vẫn nhờ… trời

Trồng hoa vẫn nhờ… trời

Vừa qua, nhiều người trồng hoa tại Đà Lạt - Lâm Đồng thất bại nặng do hoa nở trước tết tới nửa tháng. Nguyên nhân được xác định bởi trước đó thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây hoa phát triển nhanh, trong khi người dân lại không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ thuật để đối phó với tình huống này.

Vụ tết thất thu

Tuy đã trồng hoa hơn 10 năm nhưng ông Đặng Duy Thái, thôn K’Long C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vẫn không ngờ rằng năm nay tiết trời ấm, nóng khiến hoa nở rộ trước tết. Ông Thái cho biết: “Tôi đầu tư trồng 7.000m² layơn hết hơn 100 triệu đồng, nếu như năm ngoái thu được gần 300 triệu đồng thì năm nay phải vất vả chạy ngược xuôi tìm nơi tiêu thụ cũng chỉ lấy lại được nửa số vốn”. Còn gia đình bà Vũ Thị Hòa ở vườn kế bên, thời điểm trước tết hai tuần, layơn nở hoa rực vườn nhưng không ai mua. “Dù nhổ hoa bó sẵn đưa lên bờ nhưng giá chỉ được 1.000 đồng/bình 10 bông, tính ra chỉ 100 đồng/bông, không đủ tiền công thu hái”, bà Hòa xót xa cho biết. Vụ tết vừa qua trên địa bàn xã Hiệp An trồng khoảng 350ha layơn, trong đó có hơn 70% diện tích hoa nở sớm trước tết. Được biết, để đầu tư cho 1.000m² layơn phải mất 15 - 20 triệu đồng và hoa nở sớm nên nhiều nông hộ không thu hồi đủ số vốn bỏ ra.

Nông dân xã Hiệp An cắt bỏ hoa layơn nở sớm do nắng nóng

Không chỉ layơn mà nhiều loại hoa khác cũng nở trước tết khiến nông dân thất thu. Ông Đoàn Kim Tùng ở làng hoa Thái Phiên (TP Đà Lạt) cho biết, gia đình ông trồng hơn 1.000m² cát tường, trước tết gần 3 tuần cả vườn hoa đua nhau nở, cát tường phải bán giá 35.000 - 40.000 đồng/kg mới đủ vốn bỏ ra, nhưng vì buộc phải thu hoạch sớm nên chỉ bán được 20.000 đồng/kg. Còn theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt), có khoảng 65% trong tổng số 315ha hoa vụ tết của xã đã nở sớm do thời tiết nóng bất thường, nhiều loại hoa bị ảnh hưởng như cúc, cát tường, cẩm chướng… Để đối phó với biên độ nhiệt thay đổi trong thời gian ngắn, người dân đã tưới nước vào ban đêm (với hoa trồng ngoài trời), kéo lưới đen (canh tác hoa trong nhà kính) để hạn chế ánh sáng, hoặc phải cắt bỏ cành hoa đã nở nhằm kìm hãm tốc độ tăng trưởng của hoa. Tuy nhiên, từ ngày 22 đến 28 tháng Chạp lại không có đủ hoa cung cấp ra thị trường do nhiều diện tích hoa đã bung nở từ trước.

Bị động khi nhiệt độ thay đổi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 2.424ha hoa ứng dụng công nghệ cao, trong đó 1.745ha hoa trồng trong nhà kính, nhà lưới. Tuy nhiên, những đơn vị, công ty có diện tích nhà kính kết hợp điều khiển tự động về mái che, độ ẩm, nhiệt độ... chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, hệ thống nhà kính hầu hết tập trung về nhà dân, mới chỉ điều tiết được ánh sáng, độ ẩm, hạn chế sự xâm nhập của các loại cỏ, sâu bệnh chứ chưa điều tiết được nhiệt độ - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoa. Nhiều người trồng hoa nhà kính ở TP Đà Lạt cho rằng, nhà kính bình thường mới chỉ tạo môi trường sản xuất ban đầu, che nắng, che mưa chứ hầu như không phát huy được hiệu quả trước những biến động về nhiệt độ. Còn theo ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp An, vụ hoa tết năm trước do thời tiết lạnh nên nhiều diện tích hoa nở sau tết. Năm nay, người trồng hoa Hiệp An xuống giống sớm hơn một tuần so với năm trước nhưng những biến động cực đoan khiến nông dân cũng chịu trận. Hai vụ hoa tết vừa qua đã cho thấy rõ người trồng hoa còn quá bị động trước thời tiết.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng thông thường nông dân khi thấy hiện tượng thời tiết gây bất lợi cho cây hoa mới bắt đầu tìm cách đối phó theo kinh nghiệm có được trong quá trình trồng. Việc được canh tác trong điều kiện thuận lợi khiến tập quán sản xuất của nông dân phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vùng đất Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với kiểu khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm; tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết nên nông dân gặp không ít lúng túng. “Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp chuyên trồng hoa xuất khẩu có hệ thống làm mát, sưởi ấm nhà kính, còn lại phần lớn diện tích trong dân và các doanh nghiệp nhỏ đều chưa áp dụng phương thức này do nguồn vốn quá lớn. Lượng hoa nở sớm trước tết vừa qua thường rơi vào những khu vườn dễ bị tác động bởi biến động của thời tiết”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, để đối phó với vấn đề khó khăn do thời tiết gây ra, người dân cần được trang bị kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, về thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hoa và trình độ của nông dân đã nâng lên rõ ràng nhưng còn nhỏ lẻ, khiến chất lượng hoa không đồng đều nên chỉ khoảng 10% lượng hoa Đà Lạt được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ thị trường trong nước. Nếu trở thành ngành công nghiệp hoa thì chúng ta phải đảm bảo được sự đồng bộ trong sản xuất, cần có quy trình bài bản cho từng loại hoa để người dân ứng dụng vào sản xuất.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục