Trồng lúa không còn “chân lấm, tay bùn”

“Chân lấm, tay bùn” đã gắn với nông dân trồng lúa từ ngàn đời nay,  thế nhưng, nông dân thời @ không cần lội ruộng mà sử dụng thiết bị không người lái, cơ giới hóa… để sản xuất lúa. Trồng lúa công nghệ còn bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng.
Máy rải giống, bón phân trên đồng. Ảnh: CHUNG TRẦN
Máy rải giống, bón phân trên đồng. Ảnh: CHUNG TRẦN

Bảo vệ môi trường và tiết kiệm lao động

Dưới thời tiết bắt đầu chớm lạnh cuối mùa mưa, cánh đồng lúa xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đã không còn hình ảnh người nông dân xuống ruộng tay cầm lúa giống gieo sạ. Thay vào đó là những nông dân “tụm năm, tụm bảy” vừa ngồi uống nước vừa quan sát gieo sạ bằng máy. Không chỉ gieo sạ mà bà con còn cơ giới hóa việc xới đất; phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị không người lái; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Ông Trần Văn Đơ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhớ lại, thập niên 90 của thế kỷ trước, nông dân gặt lúa bằng phương pháp thủ công là dùng liềm. Gặt một sào cũng mất hết một ngày. Công nghệ tiến bộ hơn chút, liềm cắt lúa đã được thay thế bằng máy cắt lúa. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn không may xảy ra đối với máy cắt lúa này. Một công đoạn khá khó khăn là sàng lúa, khi canh hướng gió để sàng lúa ra khỏi rơm và bụi. Tiếp đó, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy gặt đập liên hợp “ra đời”, nông dân chỉ thuê với giá khoảng 150.000 đồng/sào; nhờ vậy giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch. Họ chỉ cần di chuyển máy đến ruộng cần thu hoạch để máy thực hiện các công đoạn từ A tới Z, sau đó mới cần người hỗ trợ cho lúa vào bao ngay ruộng.

Còn ruộng lúa của ông Đỗ Đình Dân (tỉnh Long An) lại dùng thiết bị không người lái phun thuốc. Chỉ với 15-20 phút, thiết bị không người lái đã phun hết 1ha và rất đều, trong khi nếu mang bình phun xịt thủ công phải mất 4 giờ. Đây cũng là mùa vụ thứ 2 ông Dân sử dụng thiết bị theo dõi bệnh trên cây lúa. Ông Dân cho hay: “Nếu phun truyền thống theo phương pháp thủ công là xịt bình thì càng làm nông dân càng mệt, càng mỏi tay nên điều khiển vòi xịt không chuẩn khiến thuốc phun không đồng đều”. Phun thuốc thủ công xịt bình trung bình 10-12 bình/ha, với giá thuê 12.000-15.000 đồng/bình. Trong khi thiết bị không người lái thuê khoảng 160.000 đồng/ha và giảm 20% thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, phun thuốc bằng thiết bị không người lái dĩ nhiên đạt năng suất cao hơn do không giẫm đạp đồng ruộng gieo sạ và lúa sắp thu hoạch; người phun thuốc không tiếp cận gần thuốc bảo vệ thực vật nên an tâm về sức khỏe.

Doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã

Chủ trương của nhà nước là hướng nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường và chuyển đổi tư duy sản xuất hàng hóa truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, nhiều cánh đồng mẫu lớn vào mùa vụ như phun thuốc, thu hoạch thường xảy ra tình trạng giá thuê dịch vụ khá cao. Do vậy, ông Trần Văn Sữa (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) nhìn nhận, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) cần liên kết với doanh nghiệp để cung cấp giống, phân bón, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao. HTX tự mua sắm thiết bị phục vụ cánh đồng mẫu lớn, những ngày không sử dụng có thể mang thiết bị cho thuê dịch vụ. Một ví dụ: Sở hữu chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, tính đến vụ đông xuân 2019-2020, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết với 7.316 nông hộ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích hơn 21.948ha, với cánh đồng lớn nhất khoảng 10.000ha ở tỉnh An Giang. Từ năm 2010, Lộc Trời đầu tư thực hiện ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến hướng tới chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững, áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo bền vững SRP (Suistainable Rice Platform) gồm 41 tiêu chí chặt chẽ về quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động. Với 5 nhà máy chế biến, Tập đoàn Lộc Trời đang chuyển đổi từ việc liên kết từng hộ sang liên kết với THT, HTX nhằm tập trung các nguồn lực cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất lúa gạo an toàn giúp tăng giá trị các thương hiệu gạo Việt Nam. Các nông hộ đồng hành được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sử dụng vật tư nông nghiệp.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT, nhận định, trong tương lai sản xuất lúa yêu cầu bắt buộc cơ giới hóa, tự động hóa để tăng hiệu quả, tính cạnh tranh để bù vào lực lượng lao động đang thiếu ở nông thôn hiện nay. Ngành nông nghiệp khuyến khích thành lập THT, HTX chuyên về một khâu kỹ thuật như thiết bị không người lái, cơ giới hóa thu hoạch… để nâng cao tính hiệu quả và cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Nông dân, HTX không có thị trường tiêu thụ nên liên kết với doanh nghiệp là điều đúng đắn. Doanh nghiệp có thị trường, định hướng được sản lượng sản xuất, có thể đưa cơ giới hóa, công nghệ và thậm chí đưa kỹ sư, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp xuống tận ruộng để sản phẩm đạt đúng chất lượng mà thị trường yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục