Ai hiểu ít nhiều về sinh tố đều rõ bệnh do thiếu sinh tố thành hình khi cơ thể không còn đủ sinh tố trong nguồn dự trữ. Trên thực tế, với tập quán ăn uống xây dựng trên khẩu phần hài hòa giữa rau quả tươi, mễ cốc, hải sản… của dân mình thì khó có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt sinh tố một cách nghiêm trọng, ngoại trừ những trường hợp sau:
- Suy dinh dưỡng kéo dài.
- Sai lầm thái quá trong chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn ở người kiêng khem không đúng cách.
- Người ăn chay trường quá đơn điệu tháng này qua năm khác.
- Đối tượng sau cơn bệnh bội nhiễm, sau đợt hóa trị, xạ trị…
Vấn đề là làm sao biết được cơ thể đang thiếu sinh tố nào, để kịp thời tiếp tế? Không quá khó, chỉ cần để ý đến lớp da. Rất nhiều triệu chứng biểu lộ trên mặt da là dấu hiệu báo động cho tình trạng thiếu hụt sinh tố nào đó. Quan sát kỹ biến đổi trên da, niêm mạc, móng, tóc tuy không chính xác tuyệt đối như kết quả định lượng trong phòng xét nghiệm, nhưng là tiêu chí đơn giản có giá trị hướng dẫn để kịp thời bổ sung thành phần sinh tố có nhiều xác suất bị hao hụt.
- Thí dụ:
- Người hay bị mụn, dù đã trưởng thành, dễ thiếu sinh tố A, B2 hay B6.
- Người có cơ tạng dị ứng, chàm lở hay bị vảy nến hầu như có vấn đề với sinh tố D và acid folic.
- Da có nhiều đường rạn nứt là biểu hiện của cơ thể không đủ B3 và B5.
- Da quá khô là dấu hiệu cho thấy thiếu sinh tố A, E và B7.
- Ngược lại, da nhờn do thiếu sinh tố B2, B12 và niacin.
- Da dày, dễ tróc vảy hay đóng lớp như vảy cá thường gặp ở người thiếu sinh tố A, E, B2, B12, B3, B7.
- Người có da dễ nổi mẩn đỏ khi trở trời, khi thay đổi nhiệt độ cần bổ sung B2, B3 và B5.
- Da nổi nhiều mạch máu là dấu hiệu thiếu B12.
- Da quá nhạy cảm với cảm giác tiếp xúc, với nhiệt độ là dấu hiệu thường gặp ở cơ thể thiếu C, B6, B12 và B5.
- Da có nhiều đốm thâm thường do thiếu cặp sinh tố bài trùng B3 + B7.
- Người hay lở môi, lở mép cần được bổ sung sinh tố B2.
- Người dễ bị viêm nướu răng cần bổ sung B5, B3 và sinh tố C.
- Viêm niêm mạc miệng quá thường cần bổ sung sinh tố C, B6, B12 và acid folic, đặc biệt ở thai phụ.
- Móng tay dễ gãy nên tiếp tế B7.
- Móng tay nứt dọc thường gặp ở người thiếu sinh tố A.
- Tóc khô dễ rụng cũng thường xảy ra ở người thiếu sinh tố A, nhưng cũng có thể không đủ B5.
- Ngược lại, tóc quá nhờn thường do thiếu B6 hơn là các sinh tố khác.
- Trong đa số trường hợp, vết thương ngoài da lâu lành do thiếu sinh tố C.
Ai cũng mong phát hiện được bệnh thật sớm, chính xác, đơn giản và rẻ tiền. Khó là làm sao đừng vì tầm nhìn quá xa mà bỏ sót giải pháp rất gần trong tầm tay. Còn gì khéo hơn mượn ngay lớp da thân thương để đánh giá kho dự trữ sinh tố.
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG
(Trung tâm điều trị Oxy cao áp)