Trong mỗi thách thức đều có cơ hội

Bên hành lang phiên họp Quốc hội ngày 22-11, xung quanh việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump cho biết, rút Mỹ ra khỏi TPP là một trong những nội dung hành động đầu tiên của ông sau khi chính thức nhậm chức, phóng viên báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến bước đầu của các vị ĐBQH – chuyên gia kinh tế.

(SGGPO).- Bên hành lang phiên họp Quốc hội ngày 22-11, xung quanh việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump cho biết, rút Mỹ ra khỏi TPP là một trong những nội dung hành động đầu tiên của ông sau khi chính thức nhậm chức, phóng viên báo SGGP đã ghi nhận những ý kiến bước đầu của các vị ĐBQH – chuyên gia kinh tế.

TS Nguyễn Đức Kiên,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Chúng ta vẫn đang xuất khẩu vào Mỹ bình thường”

Các chính sách của ông Donald Trump chưa trở thành quyết định pháp lý. Nhưng bước đầu, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói, nếu nước Mỹ không thông qua TPP thì vị thế chính trị và uy tín của nước Mỹ đối với các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ suy giảm nghiêm trọng. Vấn đề ở đây là sự cân nhắc lợi hại của quốc gia để quyết định có làm hay không.

Tôi cho rằng để duy trì vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ cần đối diện với một đối tác cạnh tranh mạnh, trong lâu dài không phải là 11 nước TPP, mà chính là Trung Quốc. Nên nếu nước Mỹ không tận dụng được sự ủng hộ của 11 nước trong TPP thì đó là điều đáng tiếc. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, thì cứ sau 8 năm thì GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và thị trường Trung Quốc có tới 1,6 tỷ dân, gấp 4 lần nước Mỹ. Tự người Mỹ sẽ có kết luận.

Nhưng dù cuối cùng Mỹ không thông qua TPP đi chăng nữa thì chúng ta vẫn đang xuất khẩu vào Mỹ bình thường. Hiệp định thương mại tự do Việt – Mỹ vẫn đang thực hiện. Có những ngành chúng ta chịu thuế và ngược lại, hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam cũng vậy, chúng ta cũng đánh thuế. Đây là vấn đề hai bên cùng có lợi chứ không phải riêng bên nào.

Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ tạo bước đột phá cho hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Mỹ Hạnh

TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TPCM: Có thêm thời gian để tái cơ cấu nông nghiệp

Khi có thông tin đầy đủ, nếu thấy tham gia TPP có lợi cho quốc gia thì tôi nghĩ ông Trump sẽ phải suy nghĩ lại. Vì điều ông Trump quan tâm hơn cả là tình trạng thất nghiệp của người lao động Mỹ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã được cải thiện, chính vì thế mới có dự báo về việc tăng lãi suất.

Nhưng kể cả khi Mỹ không tham gia TPP thì cũng không hoàn toàn là điều dở. Việc đó sẽ cho chúng ta thêm thời gian, cơ hội để cơ cấu lại nhiều ngành nghề, nhất là ngành nông nghiệp, vì nông nghiệp là ngành đáng lo ngại nhất khi ký TPP.

Mặt khác, chúng ta không chỉ có TPP mà còn ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác với hầu hết các đối tác hiện nay trong TPP, đặc biệt là Liên minh kinh tế Á Âu. Khu vực đó mới là khu vực mà chúng ta đang có quan hệ thương mại rất tốt. Rồi Cộng đồng ASEAN và một số nước châu Á khác, chúng ta cũng chưa khai thác hết cơ hội.

Thêm vào đó, đây cũng là động lực thúc đẩy chúng ta cơ cấu lại cả thị trường, xem trọng đúng mức thị trường trong nước; nhận thức rõ hơn về xu hướng tự vệ, “co lại” của một số thị trường quốc tế, chú trọng thị trường trong nước.

Tôi vẫn cho rằng lợi thế lớn nhất TPP mang lại là cho ngành may mặc, nhưng chúng ta chủ yếu mới là may mặc gia công; bây giờ có thêm thời gian để chủ động phát triển nguồn nguyên liệu. Cho nên tôi thấy không quá thất vọng hay đáng buồn về việc Tổng thống đắc cử Mỹ nói rút khỏi TPP.

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục