Trong năm đầu thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác tăng 8,3%

Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP - kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, chỉ tăng 1%.
Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương trình bày Báo cáo nghiên cứu của CIEM tại hội thảo
Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương trình bày Báo cáo nghiên cứu của CIEM tại hội thảo

Sáng 19-2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Trình bày Báo cáo nghiên cứu của CIEM tại hội thảo, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương cho biết, CPTPP ít nhiều đã đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Với khối nước tham gia CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018. Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP - kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, chỉ tăng 1%.

“Kết quả tính toán các chỉ số thương mại của Việt Nam cho thấy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, hàng mây tre, cà phê, quần áo và may mặc. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Mức độ tương đồng xuất khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay”, ông Nguyễn Anh Dương nhận xét.

Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng tiếp tục phát triển vững chắc. Trong giai đoạn 2010-2019, thu hút FDI của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký và 7,4% về vốn thực hiện. Quy mô FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, năm 2019 là 20,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP.

Tuy vậy, Hiệp định CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, một số thị trường. Những ngành có tỷ lệ tận dụng cao tại các FTA như thủy sản, dệt may, da giày… cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu trên nhiều thị trường. Để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP, Việt Nam vẫn phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP, cải thiện hiệu quả việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định này.

Về phía doanh nghiệp, tuy đã có sự quan tâm, tìm hiểu về CPTPP, song các doanh nghiệp nhìn chung còn quá lưu tâm đến vấn đề ngắn hạn, chủ yếu là về thuế và cắt giảm thuế, chứ chưa thực sự “thấm” về quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác…

Tin cùng chuyên mục