Trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu: Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo ra sao?

Trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu: Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo ra sao?

Bộ phận Dịch vụ Toàn cầu IBM kết hợp với Viện Nghiên cứu Kinh doanh IBM và Tạp chí Nhà Kinh tế học (The Economist) vừa thực hiện phỏng vấn giám đốc nhân sự của hơn 400 tập đoàn, doanh nghiệp (DN) tại hơn 40 quốc gia nhằm ghi lại nhận định và góp ý của các nhà quản lý về cải tiến lực lượng lao động với chủ đề “Giải mã ADN lực lượng lao động có khả năng thích ứng cao”. Những kết quả và đề xuất mà nghiên cứu này đưa ra sẽ giúp DN có cách nhìn mới về năng lực lãnh đạo, cách tìm kiếm và đào tạo người tài trong nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo tương lai: Họ ở đâu?

Trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu: Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo ra sao? ảnh 1
Việc hợp tác đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực Việt Nam là hỗ trợ lớn nhất mà IBM có thể làm để thể hiện cam kết đầu tư lâu dài.

Theo kết quả nghiên cứu này, 75% lãnh đạo DN bày tỏ lo ngại về vấn đề đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận. Riêng tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hơn 90% lãnh đạo DN cho rằng lực lượng lãnh đạo cho tương lai hiện đang hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Khủng hoảng năng lực lãnh đạo tồn tại ở khắp nơi, và ảnh hưởng tới mọi DN trên toàn cầu. 88% giám đốc nhân sự khu vực châu Á- Thái Bình Dương lo ngại về việc tìm kiếm các nhà lãnh đạo tương lai, theo sau là châu Mỹ Latin với 74%, châu Âu, Trung Đông và châu Phi 74%, Nhật Bản 73% và Bắc Mỹ 69%.

Nghiên cứu của IBM cho thấy trong điều kiện bùng nổ tăng trưởng ở các thị trường mới nổi hiện nay và trước thực trạng các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm về hưu ngày càng nhiều tại các thị trường ổn định, các DN đang mạo hiểm với chiến lược phát triển của mình nếu họ không tìm ra và đào tạo các thế hệ lãnh đạo kế cận.

Cũng theo nghiên cứu này, chỉ có 13% các giám đốc nhân sự tin tưởng rằng họ có khả năng xác định các nhân viên có những phẩm chất và năng lực lãnh đạo trong DN mình. Hiện các nhà quản lý quan tâm đào tạo kỹ năng cho nhân viên hiện tại hơn việc thu hút những người mới có các kỹ năng giỏi.

Rất nhiều nhà quản lý tin rằng uy tín của DN đã đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân những người họ cần. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của bản nghiên cứu, DN cần khuyến khích và tìm kiếm người tài cả trong và ngoài DN, bên cạnh đó không ngừng củng cố hình ảnh của DN trong mắt nhân viên của mình- đây là phần mà rất nhiều DN bỏ qua.

Theo bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Nhân sự IBM Việt Nam, định hướng của IBM về nhân lực là “tuyển và luyện”: vừa tích cực tuyển dụng lao động với các kỹ năng đa dạng, vừa mở rộng bồi dưỡng năng lực lãnh đạo cho đội ngũ nhân viên. Bà Quyên cho biết: “Khả năng lãnh đạo không chỉ cần thiết với cấp quản lý mà phải có trong đội ngũ nhân viên để sẵn sàng cho một lực lượng kế cận. Tại một thị trường đang phát triển với nguồn nhân lực trẻ như Việt Nam, chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa đối với những cá nhân trẻ, có kiến thức chuyên môn và tham vọng phát triển. Chúng tôi tạo cơ hội để nhân viên có thể trải nghiệm và thực hiện ước mơ của mình, đặc biệt là rèn luyện năng lực lãnh đạo”.

Đào tạo kỹ năng lãnh đạo

Theo nghiên cứu của IBM, trách nhiệm đào tạo và phân công nhân viên vào vị trí thích hợp để nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động không chỉ là trách nhiệm của giám đốc nhân sự. Việc xây dựng thành công chương trình đào tạo lãnh đạo kế cận cần sự hợp tác chặt chẽ của đội ngũ quản lý, những người sẽ quyết định chính sách đào tạo, hoặc có thể là những điển hình thành công gần gũi nhất hay giáo viên trực tiếp của những chương trình đào tạo này.

Tại Việt Nam, việc đào tạo kỹ năng đa dạng cho nguồn nhân lực, trong đó có kỹ năng lãnh đạo, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và Chính phủ. Chia sẻ với Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn IBM Nick Donofrio, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có chung nhận định rằng con người là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu.

Người lãnh đạo được đào tạo ra sao trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu?

Tích hợp toàn cầu là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới. Điểm dễ nhận thấy đó là việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, sử dụng nhân sự đa dạng, kết nối toàn cầu... Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế khiến cuộc cạnh tranh về nhân lực trở nên ngày càng gay gắt hơn. Việc dự báo được các kỹ năng cần thiết trong tương lai và đào tạo những kỹ năng này cho nhóm nhân sự nòng cốt sẽ là yếu tố then chốt trong cuộc cạnh tranh về người tài trong nền kinh tế tích hợp toàn cầu ngày nay.

Bà Quyên cho biết: “Theo kinh nghiệm của IBM, chương trình đào tạo lãnh đạo cần có các bước chi tiết gắn với mục tiêu và quá trình phát triển nghề nghiệp của từng cá nhân. Sau khi được xác định là có tiềm năng, các cá nhân cần được đưa vào các chương trình đào tạo kế cận thích hợp trong vòng 2-3 năm. Các khóa đào tạo của IBM nhấn mạnh kỹ năng thích ứng linh hoạt của cá nhân trong các môi trường khác nhau”.

Trang Quỳnh

Tin cùng chuyên mục