Sổ tay

“Trông người lại ngẫm đến ta”

Qua đồng nghiệp Anh Thư, biết được Đan Mạch ấm áp nhờ gió và rác, không khỏi nôn nao khi nghĩ về đất nước mình. Là một đất nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, sẵn gió, sẵn nắng… nhưng Việt Nam hầu như chưa hề tận dụng được một chút nào sự ưu đãi này của thiên nhiên.

Phần lớn các kế hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch từ gió, nắng đều còn trong giai đoạn thí nghiệm hoặc thí điểm thực hiện ở một phạm vi hẹp nào đó. Đã có một số nhà khoa học Việt Nam tận dụng được năng lượng mặt trời để làm điện, nhưng chỉ là điện cho… gia đình mình.

Nguyên nhân được họ giải thích là, thủ tục triển khai rộng rãi… phức tạp quá. Thời gian gần đây, TPHCM và một số đô thị lớn của Việt Nam có rộ lên phong trào sử dụng máy đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Kinh phí để lắp đặt hệ thống này cũng khá rẻ, nhưng có lẽ do chỉ là… phong trào nên chúng cũng mau xẹp xuống. Thị trường kinh doanh máy đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời hiện khá ảm đạm.

Về rác, các đô thị của Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng chục ngàn tấn rác, trong đó TPHCM có gần 6.000 tấn. Tuy nhiên, hầu hết số rác này vẫn chỉ được chôn lấp hợp vệ sinh. Các dự án tái chế từ rác thải còn trong quá trình triển khai xây dựng.

Cách đây vài năm, TPHCM đã triển khai chương trình phân loại rác từ nguồn xuống các hộ dân với mong muốn “đi tắt, đón đầu”, để khi các nhà máy tái chế hoàn thành thì cũng là lúc người dân biết phân loại rác từ nguồn. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, mà có lẽ nguyên nhân lớn nhất là đợi mãi không thấy các nhà máy tái chế ra đời, chương trình phân loại rác từ nguồn mới chỉ được triển khai trong vài quận.

Kết quả là hàng năm TPHCM vẫn phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác mà hầu như chưa thu được lợi ích nào từ rác. Đó là chưa kể, thành phố còn phải tốn diện tích đất chôn lấp rác.

Trong khi vận tốc di chuyển tại các thành phố, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội ngày càng chậm, thì người dân lại thích đi xe phân khối lớn. Hậu quả của tình trạng này là nhiên liệu không được đốt hết đã thải ra nhiều khí độc gây ô nhiễm môi trường; là tình trạng lãng phí xăng dầu vì xe phân khối lớn đòi hỏi lượng nhiên liệu cao hơn xe phân khối nhỏ; là tình trạng lãng phí tiền bạc bởi xe phân khối lớn thường có giá trị cao hơn xe phân khối nhỏ…

TPHCM đã có chủ trương tuyên truyền vận động người dân đi xe đạp hoặc xe buýt để bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Thế nhưng, mọi việc mới chỉ dừng lại ở sự vận động mà không hề có những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy người dân nhận thức sự đúng đắn của chủ trương này.

Với những chính sách, biện pháp triển khai không đồng bộ, cắt khúc, thiếu quyết liệt đã làm cho người dân Việt Nam nói chung và người dân TPHCM nói riêng, “biết thì có biết” những vấn đề liên quan đến công tác tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nhưng để biến những hiểu biết này thành hành động thì chưa.

An Nhiên 

Thông tin liên quan

 Ấm áp nhờ… gió và rác

Tin cùng chuyên mục