Trong phấn thông vàng

Người ta nói, năm nay - 60 năm mới có một lần - khí thiêng sông núi hội tụ về vùng đất phía Tây - Tây Nam Hà Tĩnh. Nếu đến được Ngã ba Đồng Lộc, thắp một nén nhang, đặt lên mộ các nữ liệt sĩ thanh niên xung phong những bông cúc trắng, người ta sẽ thấy thanh thản và gặp nhiều may mắn. Nhưng chắc chắn không phải chỉ vì thế mà từ đầu năm đến nay, gần 80.000 lượt khách tham quan đã tìm về Đồng Lộc. Trong số này có khá nhiều đoàn khách nước ngoài, kể cả hàng chục đoàn sinh viên, cựu chiến binh Mỹ...
Trong phấn thông vàng

Người ta nói, năm nay - 60 năm mới có một lần - khí thiêng sông núi hội tụ về vùng đất phía Tây - Tây Nam Hà Tĩnh. Nếu đến được Ngã ba Đồng Lộc, thắp một nén nhang, đặt lên mộ các nữ liệt sĩ thanh niên xung phong những bông cúc trắng, người ta sẽ thấy thanh thản và gặp nhiều may mắn. Nhưng chắc chắn không phải chỉ vì thế mà từ đầu năm đến nay, gần 80.000 lượt khách tham quan đã tìm về Đồng Lộc. Trong số này có khá nhiều đoàn khách nước ngoài, kể cả hàng chục đoàn sinh viên, cựu chiến binh Mỹ...

Trong phấn thông vàng ảnh 1

Tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng tại Ngã ba Đồng Lộc.

Câu chuyện về Ngã ba Đồng Lộc có thể nhiều người đã biết, nhưng giọng kể của hướng dẫn viên Đào Anh Tuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban quản lý di tích Ngã ba Đồng Lộc, vẫn làm người nghe xúc động tận đáy lòng.

Lời anh Tuân vẫn đều tuôn chảy trong khi không ít người mắt bỗng nhòa đi: “Ngã ba Đồng Lộc lúc đó là “yết hầu” của đường 15A, tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho miền Nam. Chính vì thế, kẻ địch quyết tâm hủy diệt ngã ba này.Khoảng 50.000 quả bom đã trút xuống. Tính ra, mỗi mét vuông đất Đồng Lộc đã phải gánh chịu hơn 3 quả bom, chưa kể bom bi, rốc két...”.

Thế nhưng Đồng Lộc đã đứng vững. Huyết mạch vẫn chảy ngày đêm và để duy trì dòng máu đó, biết bao bộ đội, thanh niên xung phong đã sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại đây, bất chấp ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Theo lời của anh Tuân, thời điểm đông nhất tại đây có tới 1,6 vạn người sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Anh Tuân kể: 12 giờ trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, tiểu đội nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc nhận lệnh ra sửa đường, chuẩn bị đón một đoàn xe lớn chở hàng chi viện cho miền Nam. Ba lần bị bom vùi, ba lần các chị lại đội đất chui lên, làm tiếp. Tới loạt bom thứ 15 - loạt bom định mệnh - căn hầm chữ A nơi cả tiểu đội trú ẩn bị bom vùi hoàn toàn. Thế là tất cả các chị đã ra đi.

Một nhà thơ đồng đội của các chị đã ghi lại quang cảnh của buổi lễ truy điệu ngày đó:

“Trời đêm nghi ngút khói hương bay
Đồng đội lặng đi, nước mắt đầy
Ớn lạnh quầng trăng vòng hoa trắng
Sao mờ mười đốm khói hương bay”.

Mười đốm hương, nhưng lúc đó mới chỉ có 9 chị được trở về trong vòng tay đồng đội. Ba ngày sau đồng đội mới tìm thấy chị Hồ Thị Cúc, vẫn trong tư thế ngồi, 10 đầu ngón tay xây xát cả, có thể do đã bới đất một cách tuyệt vọng... Năm ấy, lớn tuổi nhất tiểu đội là chị Cúc, tiểu đội phó và chị Tần, tiểu đội trưởng, đều 24 tuổi; còn “em út” Võ Thị Hà mới tròn 17. Chị Tần là người đã viết lá thư gửi cho mẹ đúng 5 ngày trước khi hy sinh: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng nó “thắp đèn” cho chúng con làm đường, ban ngày chúng giết cá cho chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển được núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển được trái tim chúng con”...

Gần 40 năm đã trôi qua. Núi Trọ Voi ngày nào trơ trụi, nay rừng thông đã lên xanh. Theo Ban quản lý di tích, giai đoạn 2 của Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng – du lịch Ngã ba Đồng Lộc với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng đang tiếp tục được triển khai. Khi hoàn thành, toàn khu vực di tích sẽ có tổng diện tích tới 50 ha.

Ngoài Bảo tàng Thanh niên xung phong, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc, tới đây du khách còn có thể chứng kiến quang cảnh tái hiện trận địa bom năm xưa, trong đó có hố bom đã giết chết 10 cô gái Đồng Lộc với đường kính 24 mét, độ sâu 7 mét... Du khách còn có thể đội mũ tai bèo, ăn cơm nắm, uống nước chè xanh trong những chiếc bát B52 để phần nào hiểu được những gì thế hệ cha anh đã từng trải qua trong những năm tháng chiến tranh...

Tôi đã tần ngần rất lâu trước tấm bia khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Nước mắt cứ tuôn trào khi tôi đọc bài thơ, nhất là đến đoạn nhà thơ Vương Trọng thay lời các chị nhắn nhủ:

“Thương nhớ chúng tôi, các bạn ơi đừng khóc!
Về chăm bón cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường!”

Thưa các chị! Hôm nay, thế hệ chúng tôi vẫn nhớ về các chị, biết ơn các chị nhiều, nhiều lắm. Các chị có thể yên lòng, bởi đất nước mình đang phát triển đi lên sau những khúc ca bi tráng, gạo đã có nhiều hơn, đã đủ ăn cho mọi người. Và tôi tin rằng, trong tiếng vi vút của ngàn thông và phấn thông vàng, hương hồn các chị hẳn bình yên vĩnh viễn... 

ANH THƯ