Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 15-12 đã công bố kế hoạch cải cách ngành ngoại giao nước này. Bản báo cáo dài 200 trang được chuẩn bị trong 18 tháng chỉ ra những cách thức để ngành ngoại giao Mỹ đạt hai mục tiêu: vừa đương đầu với nhiều thách thức quốc tế ngày càng lớn, vừa cắt giảm ngân sách chính phủ.
Phát biểu trong buổi giới thiệu tài liệu này, Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng ta đánh giá mức độ thành công của ngành ngoại giao dựa trên kết quả đạt được hơn là số dollar chi tiêu”. Xu hướng mới của ngoại giao Mỹ tập trung vào phát triển kinh tế. Giờ đây, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ phải đóng vai trò là “chất xúc tác” cho tăng trưởng kinh tế Mỹ thông qua việc mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ cũng như tạo việc làm của nước này. Chính vì vậy, theo kế hoạch cải tổ trên, Ngoại trưởng Clinton sẽ biến các đại sứ thành những nhân viên hoạt động theo mô hình tương tự giám đốc điều hành (CEO).
Kế hoạch cũng vạch ra một chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của chính phủ vào các nhà thầu tư nhân, lực lượng vốn “nở rộ” trong thập kỷ qua, đặc biệt tại Iraq và Afghanistan. Bộ Ngoại giao Mỹ từng bị chỉ trích nhiều do việc giám sát không hiệu quả, các nhà thầu tư nhân quá lạm quyền dưới sự bảo bọc của giới quân sự. Hàng loạt các tên tuổi như Blackwater, KBR, Kiwi… đã gây nên nỗi khiếp sợ cho thường dân Iraq và Afghanistan, trong đó có vụ nhân viên an ninh của Blackwater xả súng giết 17 thường dân Iraq vào năm 2007.
Kế hoạch cải tổ ngành ngoại giao Mỹ bước đầu được nhiều tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tư nhân khác xem là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến tỏ ra thận trọng. Nhiều nhà phân tích cho rằng khái niệm về “sức mạnh dân sự” nghe có vẻ hay nhưng để thực hiện sẽ là cả một vấn đề vì các cơ quan ngoại giao Mỹ chưa được chuẩn bị và không có đủ nhân lực để tiếp nhận những nhiệm vụ từ giới quân sự.
Nếu đúng theo kế hoạch cải cách này, sứ mệnh của các nhà ngoại giao Mỹ xem ra chuyển trọng tâm từ chính trị sang kinh tế nhằm phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ. Điều đó không có nghĩa là các nhà ngoại giao Mỹ sẽ hết tập trung vào những vấn đề khác như nhân quyền, dân chủ, thu thập thông tin mật… Có vẻ trái với chủ trương tinh gọn sắp tới, theo kế hoạch mà bà Clinton đề xuất còn dự kiến lập một số văn phòng mới trực thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID). Trong các văn phòng mới này có cơ quan chống khủng bố, một sự chồng chéo với các cơ quan chống khủng bố chuyên trách. Ngoài ra, còn có đề nghị thành lập một cơ quan điều phối hệ thống mạng với nhiệm vụ bảo vệ phần quan trọng nhất của nền ngoại giao, đó là những “thông tin bí mật giữa các chính phủ”. Các quan chức ngoại giao Mỹ lập luận rằng vấn đề này đã được lên kế hoạch trước khi Wikileaks tung ra các tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ.
Dù sao đi nữa, kế hoạch cải tổ ngoại giao Mỹ lần này chỉ có tính chất ngắn hạn (4 năm một lần). Do đó, khi được hỏi rằng liệu có mâu thuẫn nào không giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của ngoại giao Mỹ, bà Clinton cho rằng vẫn có nhưng trước mắt ngành ngoại giao Mỹ phải tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế.
Khánh Minh